Từ bờ Nam sông Tiền, đi phà qua cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ngay vàm sông Cái Bè, xuồng ghe trên sông tấp nập, bỗng tôi nghe tiếng loa phóng thanh đọc bài viết kỷ niệm 64 năm ngày độc lập, rồi điếu văn của đồng chí Lê Duẩn đọc lúc Bác Hồ ra đi về cõi vĩnh hằng. Tôi buột miệng hỏi một chủ ghe trên sông: “Đài Cái Bè phát tới đây nữa à?” Ông chủ ghe cười: “Đài truyền thanh ông Tám đó. Đài tư nhân à nghen! Hổng tin lên bờ coi!”
![]() |
Ông Tám phát thanh |
Ông Tám Thanh Bình với quê hương Tân Phong
Nhà ông Tám ở ngay bến đò ngang Tân Phong qua thị trấn Cái Bè. Mấy cái loa phóng thanh chĩa ra bờ sông phía chợ nổi. Bến đò nhìn thẳng là cổng nhà ông có hàng câu đối: “Độc lập tự do, nhờ ơn Đảng/ Áo ấm cơm no, nhớ Bác Hồ”. Câu đối này trước đây từng phổ biến ở vùng giải phóng Nam bộ. Vào nhà, tôi thấy một ông già Nam bộ chân chất, hiếu khách, biết có người tìm hiểu chuyện “đời xưa” ông già rất mừng. Ông kể:
Ông tên Trần Thanh Bình, sinh năm Ất Sửu, 1925, người gốc gác “cựu trào ở đây”. Cù lao Tân Phong xưa, trước khi người Pháp đến có tên Tân Cù thôn, nằm chơ vơ trên sông Tiền, rộng một cây số, dài 3 cây số. Xung quanh có nhiều cù lao nhỏ, người dân gọi là cồn như: Cồn Ghe Bầu, Cồn Tre, Cồn Đá, Cồn Trích, Cồn Thùng...Tân Phong có sản phẩm ốc gạo nổi tiếng. Ông cười giòn đọc câu thành ngữ: “Ốc Cồn Tre, một người đè, hai người lể”. Dĩ nhiên theo kiểu nói “cà rởn” trong văn hoá Nam bộ, thực tế là con ốc lớn, mập tràn môi, không cần dùng gai lể mà chỉ cần dùng tay cũng bắt con ốc ra khỏi vỏ. Hiện nay, Cồn Tân Phong dính chùm lại, không còn là một cù lao lẻ loi án ngữ trước vàm Cái Bè nữa, nó rộng 4-5km, dài 13 km, dân số trên 13.000 người. Ông Tám nói: “Vùng đất cù lao, ai mạnh thì chiếm giữ, không có tranh chấp, nên người dân từ Vĩnh Long qua, Đồng Tháp Mười xuống, Bến Tre... tản cư về ở, kiếm sống bằng nghề lặn ốc gạo. Làng Tân Phong, từ khi mở đất đến năm 1967, thuộc tổng Bình Xương, quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.
Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Vĩnh Long, tôi theo thanh niên Tiền Phong cướp chính quyền ở xã. Pháp trở lại, tôi theo kháng chiến bên Vĩnh Long. 1955, huyện uỷ Chợ Lách điều tôi về làm Bí thư xã hợp pháp. Khí thế Đồng Khởi Bến Tre ngút trời, lan đến Tân Phong, lực lượng chính trị nổi dậy tấn công tề xã, tôi phải ra công khai chỉ huy đấu tranh. Thế là giặc bắt giải về Vĩnh Long vào cuối 1960, rồi đi Chí Hoà, Phú Lợi. Giữa 1964, tướng Nguyễn Khánh lên nắm quyền ở Sài Gòn, thả tù chính trị, tôi được ra tù. Tôi được phục hồi chức vụ Bí thư xã nhà vào năm 1965. Giữa năm 1967, Đồng chí Năm Nhứt, Bí thư Huyện uỷ chợ Lách lại kêu lên nói: Anh em Huyện uỷ Cái Bè, Cai Lậy đứng chân trong Đồng Tháp Mười, khó chỉ đạo vùng ven quá, vì thế các anh bên Mỹ Tho muốn chuyển xã Tân Phong trực thuộc Cai Lậy. Dĩ nhiên, bên ấy nhận đất và nhận người luôn.
Tổng tấn công Mậu Thân nổ ra. Bên Chợ Lách giải phóng gần hết. Tôi chạy qua mượn quân của các xã lân cận đem về đánh một trận, giải phóng và giữ chính quyền được 3 tháng. Chỉ cách chi khu Sùng Hiếu (Tên Cái Bè thời Mỹ) một con sông không quá cây số. Giữa năm 1968, tàu địch vây 3 mặt quyết nhổ cái gai Cộng sản trước vàm sông Cái Bè. Tôi rút toàn bộ lực lượng về Đồng Tháp Mười. Sau đó tôi về huyện phụ trách khối vận, rồi về Nông hội tỉnh. Năm 1979 tôi về hưu”.
Nhìn trên tường, tôi thấy treo Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng 3, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, thương binh hạng 1/4.
![]() |
Ông Tám và bàn thờ Bác Hồ trong nhà mình |
Đài truyền thanh “Ông Tám”
Vì sao ông lập đài truyền thanh? Tôi vào đề, ông già chậm rãi nhớ lại: “Về hưu năm 1979 ở tuổi 55, nhớ việc lắm. Hồi xưa làm công tác vận động quần chúng 5 bước: điều nghiên, tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn và thực hiện. Về đây, dưới sông nhà mình chợ nổi họp cả ngàn người mà không tổ chức tuyên truyền thì uổng quá. Vậy là tôi lặn lội xuống huyện Cai Lậy xin lập trạm truyền thanh. Các anh nói, không có kinh phí, có cái loa với ăm-pli cũ (máy tăng âm), chú đem về xài đỡ. Thôi thì cũ người, mới ta. Tôi xuất lương hưu ra mua dây điện, sửa lại các thứ để làm trạm truyền thanh. Chương trình: 4 giờ 30, tiếp âm chương trình “Xóm làng Miền Nam” của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; 5 giờ tiếp âm Đài Truyền thanh Cai Lậy, 5 giờ 30 tiếp âm Đài Phát thanh Tiền Giang; 6 giờ tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam; 6 giờ 30, thông báo của xã, người tốt việc tốt trong xã và những bài mà tôi tâm đắc chắt lọc trên báo phục vụ sản xuất, văn hoá cho địa phương.”
Vài năm, phía sau nhà có cái chợ chồm hổm. Bà con đòi nghe đài, thế là ông Tám lặn lội qua Cái Bè xin cơ sở anh Bính một ăm-pli 150W, anh Dũng công tác ở Huyện uỷ cho cái loa mắc ngay chợ. Bỗng một hôm có hai vợ chồng công nhân (Anh Nhứt, Chị Loan) ở khu công nghiệp Biên Hoà đi ngang ghé chơi, thấy cái đài truyền thanh của ông cũ quá, cho một cái ăm-pli mới. Năm rồi, có một đoàn công tác từ thiện về xã, nghe đài của ông họ cảm động, tặng ông một bộ ăm-pli 200W. Chuyện tới tai các anh lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Võ Minh Quang, Tạ Minh Toàn, cơ quan thường trú tại Cần Thơ tặng ông dây, loa và một cái radio để tiếp sóng tốt hơn. Ông già 85 tuổi, lập một đài truyền thanh, vừa làm kỹ thuật viên, vừa phát thanh viên, vừa biên tập viên... vừa làm thủ trưởng... đến nỗi người trong vùng gọi là “Đài truyền thanh ông Tám”. Ông tận tình phục vụ nhân dân mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Trở thành quen, ngày nào loa ông hư, dân ấp Tân Thiện kéo ra hỏi: “Ông Tám không khoẻ sao mà sáng nay im re?” Đó là phần thù lao mà người dân dành cho ông.
Gác thờ Bác Hồ
Ghé nhà ông, tôi tham quan trụ sở “đài”. Trên tầng gác nhà ông dành thờ Bác Hồ với nghi thức trang trọng. Phía sau mới là phòng phát thanh và cũng là chỗ ngủ của ông.
Ông kể sự tích gác thờ này: “Hồi Bác mất, tôi ở Đồng Tháp Mười, cơ quan làm truy điệu, ai cũng để tang Bác, tôi khóc nhiều lắm. Ước mong ngày thống nhất được gặp Bác không thành. Tôi có tâm nguyện ngày hoà bình sẽ lập nơi thờ tự Bác. Nhưng thời gian cứ trôi theo cái nghèo và công việc. Năm 1989, trình bày ý nguyện với Mặt trận huyện. Các anh không có ý kiến. Thế là tôi đem hết những tư liệu về Bác, làm một phòng lưu niệm trên gác nhà mình, vừa để thờ. Ngày 3/9 năm ấy, tôi mời bạn bè trong Hội Người Cao tuổi về dự đám giỗ Bác. Không dè các cụ mua heo quay, mua lư đồng, câu đối về dự thật là đông đúc”. Trầm ngâm lâu lắm, Nông tâm sự: “Lúc đó tôi đâm lo, di chúc Bác dặn, sau khi tôi mất, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, làm lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi bảo, giỗ Bác như giỗ cha, có trái cà, con cá gì cúng cũng được. Ai có gì xách nấy. Bày binh bố trận vầy không phải là học tập Bác.”
Từ đó đến nay, đám giỗ Bác Hồ được tổ chức hàng năm, có đông đảo bà con, chính quyền xã đến dự thật ấm cúng. Hôm 2/9/2009, anh Nhứt, chị Loan về dự, thấy ông Tám bò lết lên gác đốt nhang, phát thanh vì ông vừa bị một thanh niên nhậu say đụng gãy chân, họ hứa sẽ thiết kế Đài truyền thanh tự động hoá ngay dưới tầng trệt cho ông dễ tác nghiệp.
Chia tay với tôi, ông Tám nắm tay dặn: “Còn sức lực ngày nào thì phải biết tìm cách phục vụ nhân dân. Đó là tâm huyết bao năm nay của tôi nhờ học tập Bác Hồ. Chú có viết báo thì viết ở chừng mực ấy!”
Nguyễn Văn Tấn