Tâm huyết trong mỗi con chữ

Tâm huyết trong mỗi con chữ

(GD&TĐ) - Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 được coi như một đòn bẩy trước thực trạng giáo dục dân tộc, nhất là đối với dân tộc rất ít người, vẫn còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm thực hiện đề án, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đối với dân tộc rất ít người.

v
Giờ thể dục của học sinh dân tộc Trường Tiểu học Sính Lủng, (huyện Đồng Văn, Hà Giang)

“Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu và hữu hiệu được tỉnh Hà Giang thực hiện trong những năm qua.

Nhờ làm tốt công tác này mà nhận thức của đồng bào dân tộc rất ít người đã nâng lên, tình trạng bỏ học hiện không còn xảy ra đối với địa phương này”  (Bà Mai Thị Thịnh – Trưởng phòng Giáo dục dân tộc Sở GD&ĐT Hà Giang)

Giải pháp hữu hiệu từ tuyên truyền, vận động

Hà Giang là một tỉnh miền núi có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Theo Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người, tỉnh Hà Giang có 3 dân tộc gồm: Bố Y, Cờ Lao, Pu Péo. Học sinh dân tộc rất ít người phân bố rải rác ở các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, PTDT nội trú và các cơ sở giáo dục khác trong tỉnh. 

3 năm qua, kết quả học tập của học sinh dân tộc rất ít người đã được nâng lên đáng kể, số lượng học sinh đến lớp năm sau cao hơn năm trước (năm học 2010 - 2011 là 1.016 HS đến năm 2011 - 2012 là 1.042 HS và đến năm 2012 - 2013 là 1.064 HS). Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đã huy động tối đa số học sinh dân tộc rất ít người đến lớp, hầu như không có học sinh bỏ học, không có học sinh lưu ban.

Bà Mai Thị Thịnh - Trưởng phòng Giáo dục dân tộc (Sở GD&ĐT Hà Giang) - cho biết: Thực ra, học sinh dân tộc rất hiếu học nên chỉ cần nắm bắt được tâm lý của phụ huynh và học sinh để tuyên truyền, vận động là thành công. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác này thì chất lượng giáo dục dân tộc nơi đó đi lên đáng kể. 

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với dân tộc rất ít người đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. 

Theo đó, phương pháp tuyên truyền, vận động của Hà Giang cũng được thực hiện khá linh hoạt. “Trong khi nhiều nơi giáo viên phải một mình đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học thì ở Hà Giang chúng tôi thực hiện nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh thôn, xóm, xã, bản, qua các hội nghị và nếu phải đến nhà vận động thì sẽ có sự phối kết hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Vận động được rồi thì việc thực thi các chế độ chính sách về giáo dục cũng phải được thực hiện nghiêm túc, đúng và trúng các đối tượng được thụ hưởng.”- Bà Thịnh nói.

c
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Huệ (huyện Sa Thầy, Kon Tum)

Dạy tiếng Việt tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục

Tại tỉnh Kon Tum, hiện có 2 dân tộc rất ít người đang sinh sống đó là dân tộc: Brâu và Rơ Măm. Ông Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum - cho biết: “Một trong những giải pháp quan trọng tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc rất ít người đó là dạy tiếng Việt cho các em học sinh. Bởi trước khi đến trường, đa số học sinh chưa biết sử dụng tiếng Việt. Trên thực tế đã có những câu chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. 

Do đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đối với dân tộc rất ít người, việc đầu tiên chính là phổ cập tiếng Việt cho các em học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện việc dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai cho học sinh.

Đồng thời xây dựng được mô hình giao tiếp tiếng Việt thông qua các hoạt động dạy học trong các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ học. Ngoài ra còn tổ chức các chương trình giao lưu “tiếng Việt của chúng em” cho học sinh các dân tộc.

“Mục đích của việc dạy tiếng Việt là nhằm cung cấp cho các em một công cụ giao tiếp, một phương tiện tư duy, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, từ đó giúp các em tiếp thu bài giảng nhanh nhất, hiệu quả nhất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với dân tộc rất ít người”.  (Ông Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum)

Hải Phong

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.