Tâm huyết của thầy Hiệu trưởng gửi gắm tân sinh viên sư phạm

GD&TĐ - GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã có những chia sẻ tâm huyết đến các tân sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2022-2023.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Hãy yêu thương và vượt qua định kiến hẹp hòi

“Bắt đầu từ hôm nay, các em là những người trưởng thành”. Gửi gắm điều này, thầy Hiệu trưởng mong các tân sinh viên sẽ là những người độc lập trong tư duy và đúng mức trong hành động; là chính mình, chịu trách nhiệm với chính mình, sẵn sàng vì người khác, nhưng không phải sống cuộc đời của người khác. Mỗi sinh viên cần vượt qua những định kiến hẹp hòi, rào cản trong tư duy, hệ lụy của nghèo khó.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của yêu thương, thầy Hiệu trưởng cho rằng, sinh viên cần trân quý những giá trị của gia đình, những tình cảm với người thân. Từ đó mới nói đến tình yêu thương đồng loại, và cũng chính từ đó mới nói đến đức hy sinh. Thêm nữa, một thế hệ sinh viên mới phải biết nghĩ đến những điều lớn lao và biết vượt thoát lên hoàn cảnh.

"Từ hôm nay, các em luôn nhớ rằng, niềm vui chính đáng, hạnh phúc thực sự của đời người chỉ đến với những ai vô tư làm cho người khác tốt hơn. Tình yêu thương sẽ tạo ra nguồn sống tích cực và vô hạn cho tâm hồn", thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Để trở thành một con người chân chính, một nhà giáo chân chính là một quá trình khổ luyện. Nêu điều này, Giáo sư, Hiệu trưởng mong muốn sinh viên hãy coi khó khăn, trở ngại là một trải nghiệm thử thách. Đó là quá trình để trưởng thành. Hãy xây dựng một bệ phóng vững chắc, bắt đầu từ một sức trẻ, từ một tâm hồn trong sáng, từ một trí tuệ thông minh của những con người thời đại để đạt đến ước mơ.

GS Nguyễn Văn Minh trao bằng khen cho tân sinh viên xuất sắc tại lễ khai giảng.

GS Nguyễn Văn Minh trao bằng khen cho tân sinh viên xuất sắc tại lễ khai giảng.

Nghĩa vụ cao cả của giáo dục

“Quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người”. GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh và hy vọng ngay từ bây giờ, các tân sinh viên hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông… trước khi nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có.

Giáo sư, Hiệu trưởng khẳng định nhà trường không áp đặt cách nghĩ của sinh viên mà chỉ mong muốn là bệ đỡ cho những ý tưởng tốt đẹp, những ý tưởng sáng tạo, những ý tưởng táo bạo… Từ đó, thầy mong mỗi nhà giáo, cán bộ của nhà trường - những người đang giữ lửa “mô phạm” - hãy tư duy và hành động một cách nhân văn nhất.

Thầy Hiệu trưởng gửi gắm: Bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì, muốn thế thì họ cần được hiểu biết. Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống.

Giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lương tri. Dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, thì cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn. Hãy cố gắng đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Vì rằng, một tâm hồn đẹp là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất trên đời.

Là thế hệ Z - công dân thời đại kỹ thuật số - các sinh viên đủ tinh tế, thông minh, dần làm chủ các tiện ích để trau dồi tri thức, mở rộng nhãn quan để sau này phụng sự đất nước. Với lợi thế này, thầy Hiệu trưởng nhắn nhủ tân sinh viên hãy làm chủ công nghệ, đừng là nô lệ của công nghệ. Hãy là những người kết nối yêu thương và hãy dùng công nghệ để kết nối yêu thương; đừng để công nghệ đẩy xa hơn khoảng cách giữa những con người.

Kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi. Phải coi tri thức, sự hiểu biết là tiền đề cho sự khai phóng, mà trước tiên là khai phóng cho chính đầu óc của mình. Một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất…

Chiều 11/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023 và chào đón hơn 4.000 sinh viên K72. Cũng ngày này, cách đây 71 năm, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ban hành Nghị định số 276 về việc thành lập Trường sư phạm Cao cấp, tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.