“Tháng 7 nối dài thương nhớ” là tiếng lòng của bao thân nhân, gia đình liệt sĩ. Ông, cha mình chưa một lần gặp mặt, chưa một lần nghe tiếng vỗ về.
“Khi người ông của anh
Ngã xuống ở Him Lam
Cha anh vừa tròn hai tuổi
Lúc cha nằm xuống Tây Nguyên
Anh còn trong bụng mẹ”.
Những người ông, người cha đó đến với thế hệ con cháu bằng bức hình chụp vội, nét vẽ nhạt nhòa và những câu chuyện kể của bà, của mẹ. “Him Lam” hai tiếng đó đã khắc sâu trong tâm khảm cháu, con về chiến tích oai hùng, về trận chiến mở màn cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ông của anh đã ngã xuống nơi mảnh đất thiêng liêng “Him Lam”.
Lịch sử một lần nữa ghi danh hai tiếng Tây Nguyên, gợi nhớ chiến dịch có mật danh 275, mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cũng là nơi, cha anh “nằm xuống”. Mạch chuyện nối tiếp theo chiều nhân sinh. Ông của anh đã anh dũng hy sinh khi “Cha anh vừa tròn hai tuổi”, và lúc cha anh “nằm xuống”, “Anh còn trong bụng mẹ”.
Đó là câu chuyện về dòng máu anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh được truyền từ đời này qua đời khác, dựng nên bản anh hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, ý chí tự cường tự tôn dân tộc của lớp lớp thế hệ người dân đất Việt.
Nhà báo Hồng Vinh bên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các liệt sĩ đang còn nằm lại dưới đáy sông, mãi mãi tuổi 20! |
Chỉ bằng hai địa danh đi qua hai thế hệ ông, cha, tác giả đã khéo léo gợi nhắc về truyền thống tạc khắc bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Khi đất nước lâm nguy, những người con trai, con gái sẵn sàng chia lửa chiến trường, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để nhìn về tương lai tươi sáng, với “Đất nước vẹn tròn, to lớn/ Mai này con ta lớn lên/ Con sẽ mang đất nước đi xa…” (Nguyễn Khoa Điềm - Trường ca Đất nước). Họ không quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho tương lai đất nước, cho hạnh phúc bao người.
“Mảnh vườn nhà sum suê hoa trái
Mặt ao, cá quẫy dưới trăng
Lời bà con rôm rả chiếu sân
Nước chè xanh, xanh quê hương thân thiết…”
Vui sao cảnh quê yên bình, trù phú, “sum suê”. Tác giả lựa điểm vài cảnh: cảnh vườn nhà, cảnh mặt ao, cảnh đêm trăng, cảnh “chiếu sân” để bao quát trọn vẹn không gian quê hương vui vầy, thân thiết. Đặc biệt cách chọn động từ. Nếu chỉ thoáng qua, khó có thể thấm vị “đượm tình”, khó cảm nhận được chiều tinh tế của một cây viết “gạo cội”.
Thử tưởng tượng về một mặt ao đêm trăng có chiều phẳng lặng, những vệt nước bỗng tung tỏa lấp lánh. “Cá quẫy dưới trăng”. Hình ảnh thân thuộc nhưng vô cùng nên thơ, hữu tình. Một từ “quẫy” mà sự sống bừng trỗi dậy. Một từ “sum suê” cũng đủ bật lên nhựa sống quê hương. Một từ “rôm rả” tái hiện khung cảnh sinh hoạt bình dị, hạnh phúc của bà con chốn quê. Không gian ấy đọng lại trong dư vị trà xanh, đằm, đậm và ngọt ngào. Phải chăng đó chính là nguyên cớ lớp lớp cha anh xung phong tới miền chiến trường đỏ lửa đạn bom để bảo vệ, giữ cho bằng được cảnh, tình quê hương.
Lòng cháu, con luôn hướng về nơi đó, máu ông, cha mình đã thấm đỏ chiến trường xưa. Để rồi:
“Mỗi tháng bảy về
Anh tất bật lên Tây Bắc
Thắp nhang mộ ông
Lại xuôi Tây Nguyên
Tìm mộ cha còn nằm trong đất!”
Mạch đập tri ân, uống nước nhớ nguồn, trọng tình, trọng nghĩa, giục giã, hối thúc anh “tất bật lên Tây Bắc” chỉ để làm một việc duy nhất “Thắp nhang mộ ông”. Rồi tiếp tục “xuôi Tây Nguyên/ Tìm mộ cha còn nằm trong đất”. Với 25 từ cắt thành 5 dòng dài ngắn chẳng đều nhau, tác giả đã ngầm kể về câu chuyện tìm mộ liệt sĩ dài bất tận, câu chuyện hành hương về nơi chiến trường xưa, lặng lẽ thắp nén nhang thơm thành kính dâng tưởng hương linh các anh hùng liệt sĩ. Câu chuyện này mãi mãi không có hồi kết và thậm chí đã chuyển hóa thành một phần cuộc sống, thành phong tục đẹp, đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Có lẽ rằng phải là người nặng tình, nặng nghĩa lắm mới có thể có những tiếng thơ, vần thơ sâu sắc đến vậy. Toàn bộ bài thơ, tác giả không dùng một từ nào là “nhớ” nhưng nỗi thương nhớ ấy nối dài như tựa đề bài thơ: “Tháng 7 nối dài thương nhớ”. Tinh tế, và bản lĩnh. Cái tinh tế và bản lĩnh của một cây bút lão luyện, tràn trề nhiệt huyết nhưng cũng vô cùng tình cảm, một lòng tri ân.
Dường như, năm nào cũng vậy, tháng 7 lại khơi nguồn cảm xúc thi sĩ. Tôi biết, chỉ trong vòng 10 năm, tác giả đã có tới 30 bài thơ, 15 bài xã luận, bút ký về đề tài thương binh – liệt sĩ. Mỗi tác phẩm, một sắc thái, chiều cảm xúc khác nhau, nhưng lượng thông tin thì vô cùng, vô tận.
Một vài ngôn từ, câu chữ, tác giả đã mở ra cả một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc được viết nên bởi các anh hùng liệt sĩ và người dân đất Việt, mở ra cả những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đồng thời gợi nhắc về trách nhiệm của chúng ta.
“Chắc dưới cõi âm
Ông và cha rất vui lòng
Biết xóm thôn đẹp giàu
Ấm áp thương yêu…”
Khép lại bài thơ là cái tình “ấm ấp” và biết bao điều tươi đẹp, bao tấm lòng tri ân. Cảm xúc “thương yêu” ấy mãi mãi nối dài như tựa đề bài thơ. Cám ơn tác giả Hồng Vinh.
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2022