Tắm gội giúp phòng bội nhiễm do sốt xuất huyết

GD&TĐ - Bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể gội đầu hay tắm rửa bình thường.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ảnh minh họa
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ảnh minh họa

Tắm gội là một nhu cầu sinh lý hằng ngày của mỗi người để loại bỏ bụi bẩn, vi trùng… nhằm phòng ngừa nguy cơ bội nhiễm do sốt xuất huyết.

Dịch sốt xuất huyết “đảo chiều”

Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng.

Trước đó, năm 2017, số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao. Từ năm 2019 - 2022 cũng ghi nhận số lượng lớn ca mắc sốt xuất huyết. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm. Điều này cho thấy, dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, miền, không theo một chu kỳ nào cả.

Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Các chuyên gia y tế dự báo, Hà Nội sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết. Tính tới nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng 65%.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6, Hà Nội ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, ngành Y tế Thủ đô nhận định, dịch bệnh này năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết tăng, nhiều người cho rằng, khi mắc bệnh này, không nên tiếp xúc với gió, nước. Bởi, việc tiếp xúc với gió, nước sẽ khiến bệnh lâu khỏi. Do đó, không ít bệnh nhân kiêng tắm gội trong suốt quá trình điều trị.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, thắc mắc sốt xuất huyết có được gội đầu hay không là vấn đề mà rất nhiều người đưa ra. Trong thời gian điều trị bệnh, người mắc sốt xuất huyết sẽ lo lắng rằng, tắm gội khiến bệnh lâu khỏi hơn, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ.

“Thực tế, bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể gội đầu hay tắm rửa bình thường. Tắm gội là một nhu cầu sinh lý bình thường hằng ngày của mỗi người để loại bỏ bụi bẩn, vi trùng… nhằm phòng ngừa nguy cơ bội nhiễm do sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc gội đầu cũng giúp người bệnh thư giãn, tinh thần thoải mái, giảm bớt tình trạng đau đầu”, bác sĩ Tuấn giải thích.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện đúng cách để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý không gội hay tắm quá lâu. Nên gội đầu trong phòng kín, không có gió lùa. Tắm, gội đầu bằng nước đủ ấm, tuyệt đối không được sử dụng nước lạnh. Sau khi gội đầu, cần phải sấy tóc thật khô.

Đối với bệnh nhân bị hạ tiểu cầu, khi gội đầu không được dùng tay cào. Kể cả tắm, những bệnh nhân này cũng không được kỳ cọ. Bởi, những hành động đó có thể gây tổn thương, chảy máu. Những trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, người bệnh cũng nên hạn chế gội đầu nếu không thật sự cần thiết. Từ đó, tránh những tác động khiến sốt xuất huyết biến chứng khó lường.

Sai lầm nhiều người thường gặp

Một số trường hợp, sốt xuất huyết trở nặng vì tâm lý chủ quan hoặc thiếu kiến thức của người bệnh ngoài định kiến sai lầm về tắm gội khi mắc bệnh. Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, người dân cần lưu ý để tránh mắc sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết.

Cụ thể, nhiều người bị sốt xuất huyết có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa có bất kỳ sự thăm khám nào vì có triệu chứng nhẹ. Điều này có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Do đó, ngay khi xuất hiện biểu hiện sốt, tốt nhất là bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Một sai lầm khác là nhiều người cho rằng, hết sốt đồng nghĩa với hết bệnh. Song, thực tế, hết sốt không có nghĩa là đã hết bệnh. Đó có thể là giai đoạn nguy hiểm vì hạ tiểu cầu của sốt xuất huyết và gây ra tình trạng xuất huyết.

Người bệnh cần phải được theo dõi liên tục từng thay đổi nhỏ kể cả khi hết sốt. Từ đó, được xử lý kịp thời trong bất kỳ trường hợp nào. Một lưu ý khác là người từng mắc sốt xuất huyết không phải chỉ nhiễm 1 lần. Người dân có thể mắc 4 lần trong đời do 4 type gây bệnh D1, D2, D3 và D4.

Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, người thân chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nên lưu ý thường xuyên kiểm tra thân nhiệt người bệnh để tránh tình trạng sốt cao hoặc thay đổi thân nhiệt đột ngột. Không để bệnh nhân ở một mình.

Cần phải túc trực bên cạnh người bệnh nếu họ có triệu chứng chóng mặt, choáng. Không để bệnh nhân đi lại nhiều hay ở một mình. Cho bệnh nhân uống nhiều nước mỗi ngày, có thể bổ sung các loại nước ép, nước dừa… để bổ sung chất điện giải.

Nếu bệnh nhân bị sốt nhẹ, người nhà nên dùng khăn ấm lau người, kẹp khăn ấm ở vùng nách, bẹn để hạ sốt. Trường hợp sốt cao cần báo ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có biện pháp hạ sốt.

Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ chất, chú ý đến khẩu phần tinh bột nhiều hơn bình thường để cung cấp năng lượng. Nên chế biến thức ăn dạng lỏng, mềm để người bệnh dễ nuốt. Đồng thời, người bệnh cần chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày để hỗ trợ tiêu hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ