Cấp bách phòng chống sốt xuất huyết

GD&TĐ - Năm 2022, dịch sốt xuất huyết tại nước ta bùng phát mạnh mẽ với số ca mắc và tử vong ở mức đỉnh điểm trong lịch sử.

Một số trường hợp sốt xuất huyết nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Ảnh: BVCC
Một số trường hợp sốt xuất huyết nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Ảnh: BVCC

Theo quy luật thông thường, vài năm tiếp theo, tình hình dịch sẽ có sự giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đang hoàn toàn đi ngược lại.

Từ đầu năm 2023 tới nay, số ca sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh trên phạm vi cả nước. Trong đó, Hà Nội ghi nhận ca mắc tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 6, toàn thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân bao gồm: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng 5 - 6, đơn vị này đã tiếp nhận rải rác các bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Không chỉ gia tăng số ca mắc, chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết trong tình trạng nặng. Lý do là thời gian này đầu vụ dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết”.

Theo PGS Cường, chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai... thì họ mới đến viện. Khi đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Qua theo dõi, đánh giá tình hình sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải bừa bãi, phế liệu đọng nước chưa được thu gom…

Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, thùng, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

“Hiện nay, người dân ngoại tỉnh thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội thành là rất lớn. Đây là những nhóm có nhiều khả năng mắc bệnh do điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế liệu, phế thải; nơi ở không ổn định, không biết và không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.

Đồng thời, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức (Zalo, Facebook, các mạng xã hội khác, tin bài, video clip, tờ rơi, áp phích, truyền thông trên loa phát thanh thôn xóm, truyền thông trực tiếp tại khu vực ổ dịch).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ