Sốt xuất huyết 'vào mùa' sớm

GD&TĐ - Theo nhận định từ các chuyên gia của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm.

Một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu…) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)
Một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu…) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)

Ngay từ đầu tháng 5, tháng 6, Trung tâm này đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết. Hiện, Trung tâm điều trị cho 6 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.

Bệnh nhân Đỗ Thị V. (83 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội), nhập viện ngày 22/6. 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và K vú đã phẫu thuật 3 năm.

Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các biểu hiện như tràn dịch màng phổi/tràn dịch màng bụng.

Bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nên đã được nhập viện theo dõi, điều trị kịp thời. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: “Hiện nay là thời điểm đầu vụ dịch sốt xuất huyết. Số ca bệnh chưa bùng phát nên nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác mà không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai… thì mới đến viện”.

Theo PGS Cường, khi đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Chuyên gia lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag. Từ đó, phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.

Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Hiện nay, một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu…) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu chẩn đoán nhầm, có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng. Đồng thời, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy.

Hiện nay, bước vào đầu mùa mưa, cần tiến hành phun muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh tránh dịch bệnh lan rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.