‘Tam đại Liên minh’ của NATO muốn giúp Ukraine thắng Nga

GD&TĐ - Sau ‘Liên minh Xe tăng’, ‘Liên minh Chiến đấu cơ’, ‘Liên minh Hải quân’ được NATO thành lập để hỗ trợ Ukraine cả trên không, trên bộ lẫn trên biển.

‘Tam đại Liên minh’ của NATO muốn giúp Ukraine thắng Nga

Trong thời gian qua, công chúng đã biết đến sự xuất hiện của một “Liên minh Hải quân” mới nhưng được núp dưới một danh xưng nhẹ nhàng hơn nhiều là “Liên minh Hàng hải” của phương Tây, do Vương quốc Anh và Na Uy dẫn đầu, được thành lập để giúp đỡ Ukraine trên Biển Đen.

Phương Tây thành lập “Tam đại Liên minh”

Theo chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky, sau “Liên minh Xe tăng” và “Liên minh Máy bay Chiến đấu”, một liên minh mới đã được thành lập hình thành nên cái gọi là “Tam đại Liên minh”, nhằm giúp Ukraine giành ưu thế quân sự trước Nga trên cả mặt đất, trên không lẫn trên biển.

Hiện tại, tình hình trên mặt trận của Lực lượng vũ trang Ukraine bất kể được sự hậu thuẫn của “Liên minh Xe tăng”, đã hoàn toàn không đạt được bất cứ mục đích nào trong kế hoạch phản công đã vạch ra sáu tháng trước.

Giải pháp tối ưu cho chính quyền Kiev sẽ là chuyển sang phòng thủ chiến lược để có thời gian chuẩn bị các cuộc tấn công quân sự khác, đánh lừa Điện Kremlin bằng cách thể hiện sự sẵn sàng giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán.

Ukraine đang gặp khó khăn trong cuộc chiến tranh trên bộ, nhưng có triển vọng trên biển
Ukraine đang gặp khó khăn trong cuộc chiến tranh trên bộ, nhưng có triển vọng trên biển

Tuy nhiên, khác với cuộc tấn công trên bộ, Ukraine lại có đòn bẩy trên biển khá mạnh để gây áp lực lên Liên bang Nga, nhằm mục đích buộc Moscow phải đình chiến theo các điều kiện của riêng mình.

Ngoài việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng đóng nút cổ chai hẹp ở Bosphorus và Dardanelles (nhưng điều đó khó có thể xảy ra dưới thời ông Erdogan). Ukraine, quốc gia đang có chiến tranh với Nga, có thể làm điều này một cách đơn giản và khắc nghiệt hơn nhiều.

Đây không phải là một sự cường điệu. Vấn đề là Lực lượng Hải quân Ukraine, với sự hỗ trợ kỹ thuật quân sự của khối NATO, có khả năng đóng cửa hoặc gây khó khăn cực kỳ lớn cho hoạt động giao thông dân sự của Nga trên Biển Đen, gây tổn hại đến hình ảnh của Nga.

Trong khi đó, khối NATO đang công khai chuẩn bị cho việc phong tỏa khu vực Kaliningrad và St. Petersburg ở vùng Baltic, đồng thời dẫn đến chiến tranh ở các quốc gia Baltic lân cận, cùng với những quốc gia thành viên và đối tác NATO gồm: Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy.

Hiện nay, khoảng 2/3 thương mại nước ngoài của Nga đi qua các cửa biển trên Biển Baltic và Biển Đen.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, con đường giao thương trên biển của Nga hoàn toàn có thể bị Liên minh phương Tây và chính quyền Kiev chặn đứng.

Hoạt động giao thương của Nga trên Biển Đen có thể dễ dàng bị ngăn chặn
Hoạt động giao thương của Nga trên Biển Đen có thể dễ dàng bị ngăn chặn

Liên minh Chiến đấu cơ khiến Hạm đội Biển Đen khốn đốn

Chủ đề về “Liên minh Hải quân” mới được thành lập nên được xem xét kết hợp với “Liên minh Xe tăng” và “Liên minh Máy bay Chiến đấu” dành cho Ukraine, mà phương Tây đã công bố trước đó.

Có thông tin cho rằng Kiev có thể nhận được từ các đối tác phương Tây máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp, F-16 Fighting Falcon của Mỹ cũng như máy bay chiến đấu hạng nhẹ Jas-39 Gripen của Thụy Điển.

Số lượng hay chất lượng máy bay tấn công được công bố không khiến các chuyên gia quân sự của Nga lo ngại nhiều, vì nếu chúng tham chiến ở không phận trên mặt đất thì cũng không thể lật ngược tình thế cuộc chiến và tất nhiên sẽ bị Lực lượng Phòng không và Không quân Nga bắn hạ.

Tuy nhiên, có vẻ như nhiệm vụ chính của tương đối ít máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư kiểu NATO sẽ không phải là hỗ trợ cuộc phản công trên bộ vốn đang bị đình trệ của Lực lượng vũ trang Ukraine, mà tập trung cho nhiệm vụ phong tỏa Biển Đen, vô hiệu hóa hạm đội Nga.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng, sự xuất hiện của tên lửa hành trình Pháp-Anh Storm Shadow/SCALP-EG và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS của Mỹ gần Crimea đã buộc Bộ Quốc phòng Nga phải đưa ra một quyết định khó khăn là phân tán lực lượng chủ lực của Hạm đội Biển Đen khỏi căn cứ chính ở Sevastopol đến một số nơi xa hơn.

Tên lửa hành trình Pháp-Anh Storm Shadow/SCALP-EG trên Su-24 Ukraine đã đánh trúng nhiều mục tiêu của Nga
Tên lửa hành trình Pháp-Anh Storm Shadow/SCALP-EG trên Su-24 Ukraine đã đánh trúng nhiều mục tiêu của Nga

Và Ukraine sẽ sớm nhận được thêm nhiều máy bay mang tên lửa hành trình chống hạm, điều này sẽ tạo ra mối đe dọa thực sự và rất nghiêm trọng đối với tàu chiến của Hạm đội Biển Đen - Nga.

Được trang bị tên lửa chống radar AGM-88 HARM và tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon phóng từ trên không, các chiến đấu cơ Fighting Falcon sẽ là một cơn đau đầu khủng khiếp đối với Hạm đội Biển Đen.

Bán kính chiến đấu của máy bay chiến đấu Mỹ cộng với tầm bắn của tên lửa chống hạm sẽ cho phép Không quân Ukraine kiểm soát toàn bộ khu vực tây Biển Đen cho đến tận bán đảo Crimea.

Ngoài ra, thậm chí là với đà leo thang của cấp độ cung cấp vũ khí hiện đại như ngày này, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu một khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài, Lầu Năm Góc sẽ cung cấp cho Hải quân Ukraine một vài máy bay chống ngầm Boeing P-8A Poseidon hoặc phiên bản cấp thấp hơn là P-3C Orion để tuần tra Biển Đen.

Liên minh Hải quân NATO sẽ giúp Ukraine có gì?

Bây giờ, cần xem xét kỹ hơn những gì Lực lượng Hải quân Ukraine có thể phát triển trong vài năm tới, đặc biệt nếu Kiev có thời gian để huấn luyện và đào tạo lại trong thời gian ngừng bắn.

Một mặt, Anh và Na Uy sẽ giúp Ukraine giữ lại Odessa bằng cách bàn giao hai tàu quét lôi đang hoạt động đầy đủ. Chúng được thiết kế để tìm kiếm và phá hủy thủy lôi trên biển bằng các phương tiện tìm kiếm được điều khiển từ xa. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng thả thủy lôi ở những vùng biển cần phong tỏa.

Tàu quét lôi HMS Blyth được Hải quân Ukraine đổi tên thành M311 Cherkasy
Tàu quét lôi HMS Blyth được Hải quân Ukraine đổi tên thành M311 Cherkasy

Đây hai tàu quét lôi (MCMV) lớp Sandown mang tên HMS Ramsy và HMS Blyth, đã được đổi tên thành các tàu quét lôi M310 Chernigov và M311 Cherkasy của Hải quân Ukraine.

Nhiệm vụ chính của những tàu quét lôi này rõ ràng là vô hiệu hóa mối đe dọa từ các tàu ngầm Nga, có thể được bí mật xâm nhập các vùng biển Odessa, Chernomorsk và Yuzhny.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh là ông Grant Shapps đã nói rằng, Những thợ săn thủy lôi này sẽ cung cấp cho Ukraine những khả năng quan trọng, mở ra các tuyến xuất khẩu quan trọng.

Còn tàu hộ tống F-211 Hetman Ivan Mazepa thuộc lớp Ada (MILGEM), hiện đang được hoàn thiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ chống tàu ngầm của Ukraine.

Theo thông tin ban đầu, Hải quân Ukraine sẽ đặt mua 5 tàu chiến lớp này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về việc khởi đóng bốn chiếc tiếp theo.

Các tàu hộ tống lớp Ada (dự án MILGEM) được trang bị các loại vũ khí chính là hệ thống tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon Block 2 và hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA VL MICA. Ngoài ra, trên tàu còn mang theo một trực thăng chống tàu ngầm.

Ngoài ra, nó còn có bệ pháo đa năng Leonardo Super Rapid 76 mm, bệ pháo 35 mm, hệ thống pháo phòng không, hai bệ súng máy Aselsan STAMP 12,7 mm điều khiển từ xa, cũng như ống phóng ngư lôi 324 mm với ngư lôi chống ngầm MU90.

Đây là những con tàu hiện đại, có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho các tàu ngầm Nga ở Biển Đen.

Tàu hộ tống tàng hình chống ngầm khu vực ven biển Ada MILGEM lớp Hetman Ivan Mazepa được hạ thủy vào tháng 10/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tàu hộ tống tàng hình chống ngầm khu vực ven biển Ada MILGEM lớp Hetman Ivan Mazepa được hạ thủy vào tháng 10/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ

“Mazepa” thuộc “Liên minh Hải quân” có thể sẽ đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến cảng Odessa của Ukraine dưới sự yểm trợ trên không của các chiến đấu cơ thuộc “Liên minh Máy bay Chiến đấu”.

Liên minh Hải quân có làm khó được Nga?

Liệu một tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo nên sự khác biệt ở Biển Đen?

Một thì không, nhưng nếu có 4 hoặc 5 tàu thuộc lớp này, cùng với tàu quét mìn Sandown, họ sẽ có thể tạo ra vấn đề cho các tàu ngầm Varshavyanka thuộc dự án 636 (định danh NATO là Kilo) của Nga.

Các tàu chống ngầm lớp Ada tiếp theo của Hải quân Ukraine sẽ đến từ đâu? Hiện nay mới chỉ có các thông tin phỏng đoán, nhưng cần lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đóng một loạt 4 tàu hộ tống lớp Ada cho nhu cầu của Hải quân Pakistan.

Sau khi chế độ thân Mỹ lên nắm quyền ở Islamabad, Pakistan đã trở thành một trong những nhà cung cấp đạn dược lớn nhất cho Ukraine. Hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng Islamabad sẽ bán lại các tàu hộ tống cho Kiev, nếu họ được bồi thường các chi phí phát sinh.

Mặt khác, không nên coi nhẹ khả năng tấn công đang ngày càng gia tăng của Lực lượng Hải quân Ukraine trên Biển Đen, đặc biệt là thách thức từ các tàu thuyền không người lái.

Tàu mặt nước không người lái của hải quân Ukraine đã gây nhiều khó khăn cho Hạm đội Biển Đen-Nga
Tàu mặt nước không người lái của hải quân Ukraine đã gây nhiều khó khăn cho Hạm đội Biển Đen-Nga

Trong khi các tàu mặt nước của Hải quân Nga đã học cách tự tin đối phó với các tàu mặt nước không người lái (Unmanned surface vehicle - USV) thì tàu ngầm không người lái (Unmanned underwater vehicle - UUV) kamikaze gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều và cũng khó đối phó hơn nhiều.

Ngoài các phương tiện không người lái, “Hạm đội muỗi” của Ukraine đang mở rộng một cách có hệ thống, với các tàu cao tốc tên lửa có thể được điều chỉnh để phóng tên lửa chống hạm.

Có thể nói rằng, máy bay chiến đấu, trực thăng chống ngầm, tàu hộ tống chống ngầm, tàu tên lửa, tàu quét/thả lôi, cũng như máy bay không người lái kamikaze dưới nước được Hải quân Ukraine sử dụng với sự hỗ trợ của hệ thống trinh sát và chỉ định mục tiêu của NATO có thể cùng nhau tạo ra những vấn đề lớn cho cả Hải quân Nga và vận tải biển dân sự trên Biển Đen.

Nếu một ngày kia Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì hậu quả sẽ rất khó lường bởi tình trạng đóng băng chiến sự trong Khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt sẽ chỉ giúp Ukraine có thêm thời gian bình tĩnh chuẩn bị cho một cuộc phong tỏa hải quân toàn diện.

Do đó, giải pháp cho vấn đề phong tỏa và chống phong tỏa trên Biển Đen không chỉ đơn thuần là các biện pháp quân sự nữa, mà sẽ cần những nỗ lực nghiêm túc và ý chí chính trị phù hợp từ thượng tầng chính trị ở Moscow.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ