Voi ma mút từng thống trị Trái đất suốt một thời gian dài trước khi bị tuyệt chủng cách đây 4.500 năm.
Các nhà khoa học thuộc công trình nghiên cứu tái sinh voi ma mút của đại học Havard (Mỹ) cho biết: trong vòng 2 năm tới, loài voi ma mút có thể sẽ xuất hiện trở lại trên Trái đất sau hàng ngàn năm vắng bóng vì bị tuyệt chủng.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu này sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen có tên CRISPR/Cas9 giúp “cắt” các đoạn ADN lấy từ cơ thể voi ma mút bị đóng băng và “dán” chúng vào gen của loài voi hiện đại. 45 đoạn ADN đã được “cắt và dán” thành công kể từ khi dự án bắt đầu năm 2015.
Ở bước tiếp theo, một tế bào trứng voi châu Á sẽ được loại bỏ nhân và thay thế bằng nhân tế bào trứng voi ma mút.
Các nhà nghiên cứu của dự án này còn có tham vọng sẽ phát triển tế bào trứng voi ma mút thành phôi thai trong một tử cung nhân tạo, thay vì cấy tế bào trứng vào cơ thể của một con voi châu Á cái.
Một con voi ma mút đông lạnh có niên đại lên đến 39.000 năm được tìm thấy trong tình trạng đông cứng tại Siberi năm 2013.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của Khoa học Mỹ (AAAS), Giáo sư George Church – chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một phôi thai voi ma mút lai. Con voi ma mút lai sẽ sở hữu các đặc tính nổi bật của voi ma mút như tai nhỏ, lông dài, lớp mỡ dày và khả năng chịu lạnh cao.”
“Việc tái sinh voi ma mút sẽ giúp hạn chế hiện tượng nóng lên của Trái đất. Voi ma mút xuất hiện tại các khu vực lạnh giá sẽ góp phần làm giảm tốc độ tan chảy của băng bằng cách đấm xuyên qua tuyết giúp khí lạnh ùa vào, lớp đất dưới tuyết nhờ vậy cũng bớt nóng hơn”, giáo sư Church cho biết thêm.
Theo giáo sư Church, sự xuất hiện của voi ma mút tại khu vực Siberi thậm chí có thể giúp nhiệt độ khu vực này giảm tới 20 độ C.