Tại sao và cần làm gì để xây dựng tập thể học sinh tự quản

GD&TĐ - VNEN rất chú trọng việc xây dựng những tập thể học sinh tự quản (nhóm, lớp, trường) trong học tập và sinh hoạt. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục và thực hành dân chủ, phát huy tính sáng tạo, năng lực hợp tác và tư duy độc lập của học sinh.

Tại sao và cần làm gì để xây dựng tập thể học sinh tự quản

Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng: Chúng ta đang có những tập thể học sinh “của học sinh, vì học sinh” nhưng “do giáo viên”, nay cần chuyển thành “của học sinh, vì học sinh, do học sinh”.

Quan hệ giữa các học sinh chuyển từ trạng thái lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, nhắc nhở, đánh giá các bạn trong lớp, trong tổ sang quan hệ hợp tác, học tập và sinh hoạt chủ yếu theo nhóm, lớp.

Dưới sự hướng dẫn, tư vấn của giáo viên, thầy và trò cùng xây dựng nên những bản cam kết trách nhiệm; xây dựng nội quy lớp học; bình bầu ban cán sự lớp (hội đồng tự quản), đăng kí tham gia các ban học tập, ban văn – thể… của lớp; học sinh xây dựng kế hoạch, tự quản lý, điều hành các hoạt động tập thể.

Theo kế hoạch hoạt động đó các em biết cách vận động người lớn (thầy cô và phụ huynh,…) giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực khi cần. Cũng chính thông qua các hoạt động này để phát triển các hoạt động giáo dục tích cực, xóa bỏ các hình phạt làm tổn thương đến thể chất và tinh thần học sinh.

“Đã đến lúc chúng ta phải rút ra từ VNEN để đưa những qui định phù hợp vào Điều lệ nhà trường, đồng thời đề xuất, phối hợp trong việc đổi mới sinh hoạt Đoàn, Đội trong các nhà trường nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về xây dựng các tập thể học sinh đoàn kết, dân chủ, sáng tạo và hoạt động hiệu quả.

Các hoạt động của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD&ĐT phát động từ năm 2008 đã có tác dụng rất lớn về mặt này” – TS Nguyễn Vinh Hiển cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ