Chỉ số hạnh phúc thấp của thanh thiếu niên
Nói về cuộc sống hạnh phúc, có thể nói thanh thiếu niên Nhật Bản đang tụt lại phía sau nhiều quốc gia khác. Đây là một trong những kết luận của báo cáo mới về hạnh phúc trong giáo dục vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố gần đây, với phát hiện chính là trong 35 quốc gia OECD, chỉ có thanh thiếu niên Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của họ thấp hơn cả những bạn trẻ Nhật Bản.
Thanh thiếu niên Nhật Bản cũng ở mức trên trung bình về các chỉ số lo lắng tổng thể, đồng thời ở dưới mức trung bình về động lực để thành công trong trường học. Phát hiện này thuộc về một cuộc khảo sát được thực hiện với 540.000 người trong độ tuổi 15 ở 72 quốc gia, cho thấy một khuôn mẫu đáng lo ngại trên khắp thế giới: các nền kinh tế tiên tiến có mức độ hạnh phúc thấp hơn so với mong đợi – niềm mong đợi đến từ sự giàu có và tự do của họ, đặc biệt là trong giới trẻ.
Báo cáo này của OECD chỉ là một báo cáo mới nhất trong một tài liệu mới được công bố về nghiên cứu thanh niên toàn cầu trong vấn đề này. Năm ngoái, Quỹ Varkey đã công bố “Thế hệ Z: Cuộc khảo sát về quyền công dân toàn cầu” về thái độ của những người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 21 ở 20 quốc gia lớn.
Mặc dù báo cáo này cho thấy rằng những người trẻ tuổi trên toàn cầu có triển vọng tự do và chủ nghĩa quốc tế rộng lớn, nhưng nó cũng đồng thời chỉ ra rằng thanh thiếu niên Nhật Bản có mức độ hạnh phúc về mặt tinh thần thấp nhất ở tất cả các nước được khảo sát; đặc biệt đáng lo lắng là theo số liệu năm 2014, tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong độ tuổi từ 10 đến 19 ở Nhật Bản.
Thanh thiếu niên Nhật Bản cũng có mức hạnh phúc thuần thấp nhất trong 20 quốc gia được thăm dò, và nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản nói rằng họ không hạnh phúc (17%), nhiều hơn so với bất kỳ đất nước nào khác ngoài Hàn Quốc (cũng ở mức 17%).
Nguyên nhân dẫn đến chỉ số hạnh phúc thấp
Những phát hiện này đưa ra nguyên nhân cho mối quan ngại đang ngày càng gia tăng trong xã hội, và thúc đẩy câu hỏi cấp bách về vấn đề làm thế nào để cải thiện, nâng cao hạnh phúc của thanh thiếu niên Nhật Bản. Bên cạnh đó, ta cũng thấy được bức tranh tổng thể về vấn đề này rất phức tạp và câu trả lời thì rất không rõ ràng.
Thứ nhất, những phát hiện trong báo cáo này của OECD cho thấy mức độ thành tựu trong học tập, khoảng thời gian mà trẻ em dành cho việc học và tần suất kiểm tra đều không liên quan đến vấn đề hạnh phúc. Nói cách khác, không có yếu tố nào trong số đó góp phần vào mức độ hạnh phúc thấp của trẻ em. Thay vào đó, báo cáo cho thấy bối cảnh giáo dục mới là vấn đề quan trọng.
Một phát hiện quan trọng khác từ báo cáo này là nếu các bậc phụ huynh học sinh dành thời gian nói chuyện với con mình hàng ngày hoặc ăn một bữa chính tại bàn ăn cùng con mình, thì các em học sinh đó nằm trong khoảng 22% đến 39% là có mức độ hài lòng cao với cuộc sống.
Theo báo cáo, các em học sinh nhận được hỗ trợ từ cha mẹ khi phải đối mặt với khó khăn ở trường học ít bị bắt nạt hơn. Ngoài ra, học sinh ở các trường có mức hạnh phúc trên trung bình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ giáo viên, hơn là học sinh ở các trường có mức hạnh phúc dưới trung bình.
Rõ ràng, sự hỗ trợ dành cho học sinh khi các em phải đối mặt với môi trường trường học đầy thách thức đóng một vai trò quan trọng đối với hạnh phúc, sự phát triển khỏe mạnh của các em. Nhưng cũng có những yếu tố bổ sung khác đóng vai trò quan trọng như thế, và báo cáo Thế hệ Z giúp đưa ra ánh sáng bối cảnh của những phát hiện này của OECD.
Báo cáo này đã đo mức độ thỏa mãn của thanh thiếu niên về một loạt các chỉ tiêu - bao gồm cả hạnh phúc trong cuộc sống, hạnh phúc tinh thần và hạnh phúc về mặt tình cảm, và nó bất ngờ phát hiện ra rằng thanh thiếu niên ở bốn quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria, Indonesia luôn ở trong hoặc gần nhóm dẫn đầu về mức độ hài lòng ở cả ba chỉ tiêu trên.
Tại sao vậy? Ba nguyên nhân chính đã được đưa ra để giải đáp câu hỏi này. Thứ nhất, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ đều có những mối quan hệ gia đình mạnh mẽ; hạnh phúc tổng thể của các bạn thanh thiếu niên có thể được mang lại từ mối quan hệ chung của họ với gia đình chứ không chỉ đơn thuần là đến từ sự hỗ trợ mà các em nhận được ở trường học.
Thứ hai, ở tất cả các nước được khảo sát, chỉ có Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nigeria nghĩ chung rằng thế giới không phát triển trở thành một nơi tồi tệ hơn. Liên quan đến điều này, rõ ràng rằng các quốc gia hàng đầu về hạnh phúc có xu hướng là các nền kinh tế mới nổi.
Điều đó cho thấy các cơ hội nhận thức về khả năng mở rộng (ví dụ, của một nền kinh tế mới nổi, có nhiều không gian để phát triển hơn) có tác động tích cực đến hạnh phúc. Trong khi đó, ở các nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, người dân có thể có một cảm giác không mấy rõ ràng rằng nền kinh tế đã “đạt đến đỉnh điểm” và không còn nhiều chỗ để tiến tới nữa.
Một lý do liên hệ chặt chẽ với mức độ hạnh phúc về tinh thần thấp ở Nhật Bản đã được tìm ra trong một số câu trả lời của các thanh thiếu niên của đất nước này. Thanh thiếu niên Nhật Bản đã trả lời rằng “làm việc chăm chỉ/ giúp đỡ bản thân hòa hợp trong cuộc sống” là giá trị quan trọng nhất của họ, và nhiều người ở Nhật chọn sống theo những giá trị này hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Hàn Quốc (cũng ở mức thấp về hạnh phúc).
Trong 20 quốc gia được điều tra, thanh thiếu niên Nhật Bản cũng là những người ít có khả năng nhất trong việc nghĩ rằng đóng góp cho xã hội rộng lớn này là một điều quan trọng. Thật dễ dàng để thấy những niềm tin này của họ, cộng với sự thiếu hụt cơ hội, có thể đưa đến một trạng thái bi quan về cơ hội dẫn đến cuộc sống thành công hay có ý nghĩa của mình.
Mặc dù là một cá nhân, chúng ta có thể làm được rất ít để ảnh hưởng đến tình trạng của nền kinh tế, nhưng là một cá nhân, chúng ta có thể xem xét xem mối quan hệ gia đình, các nhu cầu của nền văn hóa và hệ thống giáo dục của chúng ta, cơ hội nghỉ ngơi của chúng ta ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta như thế nào.
Hạnh phúc sẽ khó đạt được với một danh sách những điều kiện theo quy định, nhưng vẫn còn rất nhiều không gian để đưa ra các chính sách có thể hướng dẫn các cơ quan của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hạnh phúc cho thanh thiếu niên càng nhiều càng tốt và tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của các khu vực tác động tiêu cực đến hạnh phúc của các em