Liên quan đến vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chủ yếu là tập trung vào hai luồng ý kiến, quan điểm:
Quan điểm thứ nhất, đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được do tham nhũng, vi phạm pháp luật mà có thì tiến hành đánh thuế, theo tỷ lệ % thích hợp. Thậm chí, một số ý kiến theo hướng này còn đề nghị áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Theo đó, khi không chứng minh được hành vi phạm tội, tham nhũng thì không truy cứu, xem xét đối với cán bộ, công chức sở hữu khối tài sản này!
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, hợp lệ thì phải tịch thu sung công quỹ, đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân liên quan.
Theo quan điểm cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, không thể nói tài sản của mình mà mình lại không thể chứng minh được nguồn gốc. Bởi vì, mọi tài sản đều có nguồn gốc của nó, đó là thu nhập từ tiền lương, thưởng, làm thêm, buôn bán hay thừa kế, tặng cho, trúng số, nhặt, lượm được... hoàn toàn có thể chứng minh được. Ở đây, nên hiểu là chứng minh được nguồn gốc hợp pháp không có nghĩa là bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp mà chỉ cần có chứng cứ thuyết phục, nguồn gốc hợp lệ, hợp lý là được. Khi đó, cá nhân có trách nhiệm khai báo nguồn gốc tài sản mà mình có được từ đâu, đồng thời đưa ra chứng cứ phù hợp và chịu trách nhiệm về khai báo đó, nếu cần thiết thì cơ quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.
Thứ hai, đối với cán bộ, công chức thu nhập chủ yếu từ tiền lương, thưởng, nếu hưởng lương cao “kịch trần” mỗi năm cũng chỉ vài trăm triệu mà lại có một khối tài sản “khủng” lên đến hàng chục, hành trăm tỷ đồng thì không thể biện hộ! Đối với những trường hợp này, việc xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản bất minh là không quá khó. Hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh việc giao dịch, mua bán, trả lương, thưởng... qua tài khoản nên việc chứng minh tài sản của cá nhân, nhất là cán bộ, công chức lại càng dễ dàng hơn.
Thứ ba, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, khó khăn, nhất là việc phát hiện hành vi tham nhũng tại thời điểm nó xảy ra lại càng khó. Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý hành vi tham nhũng thông qua biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập có thể coi là hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay. Thực tế phòng, chống tham nhũng ở các nước trên thế giới và một số vụ việc mới đây ở nước ta đã chứng minh điều này.
Có thể khẳng định rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ cần sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành mà quan trọng nhất là phải có công cụ pháp lý, chế tài đủ mạnh để vừa xử lý nghiêm những người vi phạm mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.