Ngành Thanh tra kiến nghị kỷ luật hơn 2 nghìn tập thể, cá nhân

GD&TĐ - Đó là công bố của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 được tổ chức sáng nay (16/1).

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái

Phát hiện vi phạm hơn 67 nghìn tỷ đồng, chuyển điều tra 114 vụ

Năm 2017, hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với năm 2016.

Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính; 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 24.253 tỷ đồng, 12.645ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) có những chuyển biến rõ nét. Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 415.383 lượt công dân với 310.633 vụ việc; trong đó có 5.624 đoàn đông người.

Tổng TTCP và các Phó Tổng TTCP đã trực tiếp tiếp công dân tại một số địa phương như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre, Long An, Quảng Ninh...

Nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP Hà Nội), TTCP đã phối hợp với các bộ, ngành, lập danh sách 463 vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, báo cáo Thủ tướng. Hiện, TTCP đang tiếp tục phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Qua giải quyết 25.519/30.324 vụ KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt 84,2%, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.437 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người, số người đã bị xử lý hành chính là 216 người.

Xử lý cán bộ cấp cao nhận quà biếu

Cũng theo TTCP, ngành Thanh tra đã thực hiện cơ bản tốt các nhiệm vụ: tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là về nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tham nhũng.

Báo cáo cho thấy, công khai, minh bạch ngày càng cụ thể, được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau; số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 29 người, với giá trị quà tặng là 528 triệu đồng; đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2017, đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự; 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TTCP thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế như một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch hoặc còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm, đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý và công khai. Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, biện pháp xử lý chưa rõ.

Thủ trưởng cơ quan hành chính một số nơi chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC. Một số địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp…

Giảm thanh tra vụ việc, tăng thanh tra chuyên đề

“Phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết KN,TC còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít; việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn lúng túng”, TTCP đánh giá.

Để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2018, ngành Thanh tra sẽ đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất, gắn với việc giải quyết KN,TC; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc KN,TC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.

Ngành Thanh tra cũng sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết KN,TC, tạo sự chuyển biến tích cực; gắn với kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định giải quyết KN, kết luận xử lý TC và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

4 cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng năm 2018

- Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế;

- Công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản (tập trung việc khai thác mỏ đá làm nguyên vật liệu cho công nghiệp sản xuất xi măng; khai thác cát, sỏi tại các dòng sông để làm vật liệu xây dựng);

- Về thuế để chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế, tập trung thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.

Trong công tác PCTN sẽ đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá, nhất là đối với UBND cấp tỉnh; chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt để giúp Chính phủ kịp thời chấn chỉnh cũng như làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu sự quan tâm, thiếu trách nhiệm trong công tác PCTN.

Ngành Thanh tra cũng sẽ tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm để xẩy ra tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của ngành Thanh tra. Ngoài ra, chú trọng công tác xây dựng thể chế, xây dựng ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…

Xử lý sau thanh tra có nhiều tiến bộ

Toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.546 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 856/1.358 tỷ đồng (đạt 63%), 4.126/4.179ha đất (đạt 99%), đôn đốc xử lý 971 tập thể, 4.206 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 29 đối tượng.

Trong đó, riêng TTCP đã kiểm tra, đôn đốc 27 kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý khác 550,5/769,6 tỷ đồng (72%), 4.044/4.044ha đất (100%). Căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của TTCP, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 71 tập thể, 1.936 cá nhân có liên quan và đã rà soát các vụ việc có sai phạm, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 6 vụ việc, 15 đối tượng.

Một số địa phương tích cực thực hiện công tác đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra như: Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Bình Định, Quảng Trị, Bình Dương, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tây Ninh, Hậu Giang…

Tuy nhiên, TTCP lưu ý, tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là thanh tra các bộ, ngành, địa phương; việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên.

Cho nên, năm 2018, cần tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là những kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.