Cú hích cứu sân khấu nghệ thuật truyền thống

GD&TĐ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện thực hóa chủ trương đưa các tác phẩm sân khấu chất lượng cao vào biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu từ tháng 5/2017.

Cú hích cứu sân khấu nghệ thuật truyền thống

Đây là chủ trương lớn, thiết thực của ngành văn hóa với sân khấu nước nhà trong giai đoạn hiện nay, không chỉ “giải cứu” sân khấu nước nhà đang loay hoay trong khủng hoảng mà còn thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chất lượng của công chúng Thủ đô và du khách quốc tế.

Biểu diễn thường xuyên

Trong tháng 5 sẽ có 6 nhà hát nghệ thuật truyền thống tham gia biểu diễn gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vào tối 4 và 5/5 (Cung phi Điểm Bích, Hừng đông), Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn vào tối 6 và 7/5 (Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh), Nhà hát Chèo Hà Nội diễn vào tối 8 và 9/5 (Nàng thứ phi họ Đặng, Vương nữ Mê Linh), Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn vào tối 13 và 14/5 (Nữ tướng Đào Tam Xuân, Chuyện bịa của Làng Vồm), Nhà hát Ca kịch Huế diễn tối 20 và 21/5 (Vụ án Lệ Chi Viên, Dòng sông đỏ), Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vào tối 22 và 28/5 (Xúy Vân, Dây tràng hạt diệu kỳ).

Sự xuất hiện nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn là dịp để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật quảng bá thương hiệu cho đơn vị mình và dĩ nhiên để khẳng định được chất lượng của tác phẩm cũng như thể hiện được phong cách riêng của đơn vị mình, từ đó có thêm nhiều khán giả, nhiều hợp đồng biểu diễn được đặt hàng trực tiếp tại các đêm diễn thường kỳ tại địa điểm riêng của mỗi đơn vị, tạo một không khí cạnh tranh lành mạnh trong sáng tạo nghệ thuật.

Được đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít nghi ngại rằng sẽ thành công, các nghệ sĩ cũng là nhà quản lý vẫn canh cánh nỗi lo về khán giả.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - khẳng định, chủ trương bảo tồn nghệ thuật truyền thống và phát triển nghệ thuật đỉnh cao của Bộ VH-TT&DL là rất đúng. “Nhà hát Lớn là một điểm biểu diễn đẹp, địa điểm đẹp, kiến trúc đẹp. Được biểu diễn ở đó là vinh dự của các nghệ sĩ. Quyết định của Bộ làm cho các chương trình nghệ thuật thực sự sang trọng hơn, là động lực cho các nghệ sĩ. Được biểu diễn ở sân khấu sang trọng đó, người nghệ sĩ sẽ ý thức được mình hơn, biểu diễn tốt hơn. Thế nhưng, từ trước đến giờ, Nhà hát Tuồng vẫn biểu diễn định kỳ hai buổi thứ Hai và thứ Năm tại Rạp Hồng Hà nhưng chỉ có khách du lịch nước ngoài xem. Khách trong nước thì mời cũng còn ít khán giả. Vì vậy, khi ra Nhà hát Lớn, cũng khó để bán được vé, bù chi phí”.

Cần phải có cách làm mới

Để “dọn đường” cho chương trình nghệ thuật đỉnh cao của các đơn vị đến với Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VH-TT&DL chủ trương, tới đây, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn sẽ phải tự lo “phát hành” từ 30 đến 40% số ghế mỗi đêm diễn. Sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp với từng chương trình và loại hình nghệ thuật.

Bàn về chủ trương khoán % số lượng vé bán cho các nhà hát phối hợp cùng với công tác bán vé của Nhà hát Lớn được các nhà hát thuộc loại hình kịch nói, ca múa nhạc... đồng tình nhưng với các nhà hát sân khấu truyền thống thì cho rằng sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ với giá vé rất thấp 100.000 đến 200.000 đồng thì ngay tại rạp hát của mình các Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng thấy khó để thu hút được đông khán giả. Mỗi buổi diễn của tuồng hay chèo trung bình chỉ được vài chục khán giả và chủ yếu là phục vụ đối tượng khách du lịch.

Tuy nhiên, đây là “cuộc chơi” mới đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống phải có cách tư duy mới trong sáng tạo cũng như cách quảng bá, tiếp thị cho tác phẩm của mình.

Tại buổi làm việc giữa Bộ VH-TT&DL với các đơn vị, nhà hát trực thuộc Bộ về các chương trình biểu diễn đỉnh cao trong năm 2017 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Nếu hạ giá vé quá thấp thì nghệ thuật sẽ tự hạ thấp giá trị của mình, chi bằng phải dần dần nâng giá vé lên để buộc xã hội chấp nhận. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng cần thấy rằng địa bàn hoạt động của mình không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà còn phải khẳng định được vị thế và vị trí của mình ngay tại trung tâm thành phố. Ngay như quan niệm nghệ thuật múa rối chỉ dành cho thiếu nhi cũng là sai, trên thực tế khi tới các suất diễn thường xuyên hiện nay thì đối tượng tới xem rối lại là người lớn và vì vậy chương trình biểu diễn cũng phải mở rộng đối tượng chứ không chỉ bó hẹp với mục tiêu phục vụ trẻ em”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần năng động hơn, tạo phong cách riêng cho thương hiệu của mình không chỉ từ việc xây dựng tác phẩm mà còn ở phương thức tổ chức biểu diễn, kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ