“Việt hóa” vở diễn
Vở diễn “Dưới bóng đa huyền thoại” do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản tuồng dưới ý tưởng từ kịch bản văn học “Ngôi đền ma ám” của đạo diễn Chua Soo Pong. Đây cũng là tác phẩm đã được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật và cũng đã được biểu diễn tại nhiều nhà hát ở Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Vương quốc Anh... Nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm được chuyển thể sang nghệ thuật tuồng.
Cốt truyện dựa trên một câu chuyện mang nhiều yếu tố kinh dị nhưng khi thể hiện ở Việt Nam, tác giả Lê Thế Song đã biến tấu câu chuyện và nhân vật mang tính dân gian huyền thoại cho phù hợp với loại hình nghệ thuật tuồng.
“Dưới bóng đa huyền thoại” là câu chuyện xoay quanh một cây đa được nhân cách hóa; cành đá, lá đa, thân đa đều có linh hồn, sắc thái và tình cảm riêng. Tuy nhiên, sau một biến cố, thần đa bị đầu độc và hoán đổi những nhân vật sống trong cây đa phục vụ mục đích hút máu người nhằm tăng quyền lực trở thành bá chủ thiên hạ....
Thông điệp chính của vở kịch là cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt sẽ không bao giờ lợi dụng người khác để làm điều có lợi cho mình. Người tốt cũng sẽ không bị cái đẹp bên ngoài quyến rũ mà luôn hướng về vẻ đẹp bên trong...
Tại Lễ khởi công vở diễn, đạo diễn Chua Soo Pong cho biết ông mê tuồng của Việt Nam từ rất lâu rồi, đặc biệt là khi được là khách mời của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham dự tại Liên hoan Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ tại Đà Nẵng năm 2015 và sau đó là được xem vở “Nghêu Sò Ốc Hến” tại Liên hoan Sân khấu các nước ASEAN Trung Quốc 2016 tại Nam Ninh, Trung Quốc. “Xem chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ tuồng VN, tôi thấy rằng, loại hình nghệ thuật này của các bạn rất dễ hội nhập với quốc tế từ vũ đạo, âm nhạc cho tới cách biểu hiện tâm trạng nhân vật của nghệ sĩ”.
Được biết sau khi hoàn thành, vở tuồng “Dưới bóng đa huyền thoại” sẽ được mời sang biểu diễn tại Singapore vào tháng 8/2017 và tham dự Liên hoan Sân khấu thế giới tại Canada năm 2018.
Kéo khán giả trẻ đến với tuồng
So với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật tuồng hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nghệ thuật truyền thống mất dần người xem. Đây cũng là cách để vực dậy, khôi phục và phát triển nghệ thuật này.
Đạo diễn Chua Soo Pong cho rằng để thu hút giới trẻ đến với sân khấu truyền thống, đầu tiên chính là cốt truyện phải gần với tư duy của lớp trẻ cũng như tư duy của thời hiện đại. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người viết kịch là làm thế nào để phù hợp với tư duy của lớp trẻ mà vẫn giữ được cái độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống.
Theo tác giả Chua Soo Pong, ở phiên bản “Việt hóa” vở diễn không chỉ có sự đầu tư về nội dung mà còn hết sức chú trọng trong khâu thiết kế trang phục, hóa trang, sân khấu. Mỗi nhân vật được xây dựng đều có đặc trưng, khác biệt so với các nhân vật khác. Cũng theo tác giả, trong nghệ thuật tuồng, các vũ đạo, động tác thể hiện trạng thái tình cảm cũng như hoàn cảnh, ngữ cảnh đều rất rõ ràng, từ đó cảm xúc của diễn viên được bộc lộ rõ nhất. Âm nhạc sẽ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đặc trưng của tuồng Việt Nam có nhiều điểm giống Kinh kịch (Trung Quốc).