Tai nạn thương tích đe dọa trẻ hàng ngày

GD&TĐ - Vẫn biết tai nạn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai. Nhưng khi tai nạn xảy ra ở trẻ thường nguy hiểm hơn do các em chưa có ý thức, việc cấp cứu khó hơn. Dù liên tục được cảnh báo nhưng nhiều tai nạn vẫn luôn rình rập, đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Tai nạn thương tích đe dọa trẻ hàng ngày

Tai nạn ở mọi nơi

Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vừa cấp cứu cho bệnh nhân 14 tuổi đến từ Đắk Lắk. Theo đó, trong lúc chơi đùa với bạn, bệnh nhân không may nuốt phải hạt xí muội và chui vào đường thở. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện.

Kết quả kiểm tra cho thấy, dị vật nằm ở phế quản khiến phổi một bên xẹp gần hết. Điều may mắn với bệnh nhân này là được phát hiện, đến viện kịp thời. Hơn nữa, hạt xí muội lại lọt được xuống phế quản trái chứ nếu mắc kẹt ở nơi phân chia phế quản thì nhiều khả năng bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện.

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ lớn tuổi và nhỏ tuổi. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng thường xuyên tiếp nhận ca hóc dị vật đường thở và ngạt do ngã chúi đầu vào xô nước. Đó là bệnh nhi 17 tháng tuổi bị đuối nước ngay trong nhà. Khi được phát hiện, bé đã tím tái nên dù vào viện nhưng bác sĩ không cứu được.

Số trẻ hóc thạch rau câu, các loại hạt, đồ chơi, sặc cháo, sữa… phải vào viện cũng thường xuyên xảy ra. Đau lòng không kém là trường hợp 3 trẻ ở Đakrông (Quảng Trị). Nhà nghèo, đói quá nên các em rủ nhau đi mò cá về nấu cháo. Trong mớ cá bắt được có lẫn trứng cóc khiến 2 trẻ tử vong, 1 trẻ ngộ độc nặng đang điều trị tích cực tại bệnh viện.

Một bệnh nhân 11 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị tai nạn trong khi nô đùa ở trường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhìn mờ, đau nhức mắt trái.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó có chạy qua chỗ các bạn đang nghịch một chiếc bàn học bị hỏng. Một chiếc que đập vào mắt trái khiến kính cận vỡ.

Phát hiện mảnh kính găm vào mắt nên thầy cô đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Tại khoa Mắt (Bệnh viện E), bác sĩ đã khám và xác định bệnh nhân bị rách giác mạc ở nhiều vị trí, vết rách dài nhất khoảng 5mm, nhiều mảnh kính nhỏ còn găm vào mắt.

Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân để lấy dị vật trong giác mạc và khâu phục hồi trong nhãn cầu. Sau 1 giờ, nhiều mảnh kính được gắp ra. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo (khoa Mắt, Bệnh viện E) cho biết: Đối với những tai nạn như vậy sẽ để lại sẹo giác mạc và giảm thị lực cho trẻ.

Cẩn thận không bao giờ thừa

Hóc, sặc dị vật đường thở có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, tai nạn trên thường xảy ra ở trẻ 1 - 3 tuổi vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh nên tò mò, khám phá. Đây là lý do giải thích tại sao trẻ gặp bất kỳ đồ vật gì cũng cho vào mồm.

Trẻ bị nạn ở lứa tuổi này phần lớn do sự chủ quan của người lớn. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc xem tivi. Không cho trẻ chơi đồ vật dễ nuốt, dễ hóc như viên bi, hạt đậu, hạt ngô, hạt vòng.

Ở trẻ lớn, không nên vừa ngậm đồ ăn, đồ vật khi chơi. Khi trẻ bị hóc cần bình tĩnh, cho trẻ nằm sấp, vỗ mạnh vào lưng trẻ. Trong trường hợp sặc cháo, sữa, cho trẻ nằm nghiêng, móc hết cháo, sữa trong họng rồi chuyển sang tư thế nằm sấp, đầu hơi thấp và vỗ lưng 5 cái. Một điểm cần lưu ý là phải sơ cứu trước khi đưa đi viện. Sau sơ cứu, thấy trẻ thở bình thường nhưng vẫn nên vào viện kiểm tra lại.

Trường học cũng là nơi dễ xảy ra tai nạn thương tích. Theo bác sĩ Thảo, tai nạn học đường liên quan đến mắt khá phổ biến, nhất là trẻ nhỏ có độ tuổi từ 6 - 11 do các em rất hiếu động.

Khoa Mắt – Bệnh viện E cũng đã từng cấp cứu một số tai nạn thương tích tại trường học, nhà cho trẻ như bút đâm vào mắt, gáy bìa sách đập vào mắt, bị bạn đấm vào mắt, ngã va đập vào mắt…

Mức tổn thương gây ra cho trẻ có thể là xước giác mạc, rách lớp giác mạc, xuất huyết tiền phòng, vỡ nhãn cầu. Nhằm hạn chế hậu quả nghiêm trọng đối với các tai nạn về mắt khi ở trường cần đề phòng các vật dụng sắc nhọn như bút, cạnh bàn, thanh sắt… có thể gây hại nghiêm trọng cho mắt và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.

 - Có đến 90% tai nạn mắt có thể phòng tránh được, 50% chỉ đơn giản là đeo kính khi có mặt ở trong điều kiện nhạy cảm cho mắt.
- Tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi, nhưng ở nhà là nhiều nhất 47%, khi vui chơi, nhất là chơi thể thao (15%), 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hoàn cảnh khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ