Nhiều giáo viên nhận định, động thái này sẽ nâng cao chất lượng dạy học, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng để học tập tốt hơn.
Mở rộng tầm nhìn
Là trường song ngữ, ngoài việc “dạy chữ”, Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Mỹ (quận Tân Bình, TPHCM) luôn chú trọng đến việc “dạy người”. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thực hành chương trình kỹ năng mềm, hoạt động rèn luyện thể chất được nhà trường tổ chức xuyên suốt năm học.
Cô Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, nhà trường luôn đa dạng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường để học sinh có nhiều điều kiện mở rộng tầm nhìn, phát triển tư duy, trải nghiệm thực tế, phát triển tài năng…
“Việc tổ chức các hoạt động giúp học sinh được trải nghiệm và khám phá cuộc sống xung quanh. Từ đó, trẻ cởi mở và tự tin hơn trong giao tiếp, học các kỹ năng sống như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Ngoài ra, bằng việc trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, năng khiếu của học sinh sẽ được phát hiện và bồi dưỡng. Những kiến thức cơ bản được giáo viên lồng ghép khéo léo vào từng buổi sinh hoạt chuyên đề và các chương trình “vừa học vừa chơi” giúp các em dễ nhớ, khắc sâu”, cô Nguyễn Thanh Mai cho biết.
Tương tự, những năm qua Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM) luôn chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nhằm phát huy năng lực toàn diện, kỹ năng sống cho học sinh. Cô Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Minh Hiếu nhìn nhận: Tham gia các hoạt động ngoại khóa, học sinh được vận động cơ thể một cách toàn diện, phát triển thể chất và nâng cao sức đề kháng.
“Liên tục học tập đôi lúc tạo ra áp lực cho các em, đặc biệt là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp vừa qua. Vì vậy, hoạt động ngoại khóa được tổ chức trở lại thời điểm này rất cần thiết. Một buổi dã ngoại hay chương trình ngoài giờ sẽ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, học tập tốt hơn. Bởi ngoài việc được thoải mái vui chơi, trẻ còn học được nhiều kiến thức và kỹ năng mới bằng phương thức thú vị, độc đáo”, cô Hiếu cho hay.
Tăng kết nối
Sáng 18/4, sân Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rộn ràng tiếng trống, tiếng kèn Đội, tiếng hát Quốc ca của hàng ngàn học sinh trong nắng sớm. Đây là buổi chào cờ tập trung đầu tiên của học sinh thành phố Đà Nẵng sau gần 1 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Buổi sinh hoạt dưới cờ với chuyên đề Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường đã để lại ấn tượng rất sâu sắc với mỗi học sinh. Em Bùi Ngọc Hà Linh (học sinh lớp 7/4) chia sẻ: “Thời gian dài học trực tuyến, em và các bạn chủ yếu kết nối, liên lạc với nhau trên không gian mạng. Không tiếp xúc, trò chuyện cùng nhau nhiều, tâm lý khi trở lại trường học trực tiếp của bọn em có chút ảnh hưởng. Chúng em ít chia sẻ với nhau hơn, khi làm việc nhóm cũng khó để thuyết phục được nhau. Tuy nhiên, từ những câu chuyện có thật, được thầy giáo kể lại trên lớp, chúng em học được cách tôn trọng, biết lắng nghe, chia sẻ trong tình bạn”.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2022), Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức hoạt động “Bước chân Hành quân thần tốc” cho học sinh khối 3,4,5. Hoạt động này được thiết kế thành 5 trạm. Với 5 yêu cầu thuộc 5 lĩnh vực: Thể thao, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật và Kiến thức xã hội (Toán, Tiếng Việt và hiểu biết chung), học sinh tham gia theo hình thức tiếp sức. Mỗi lớp là một Đại đội và được chia thành 5 tiểu đội. Các tiểu đội có nhiệm vụ vượt qua yêu cầu của từng “trạm” và mang cờ về cắm vào cọc cờ cuối cùng để tìm chìa khóa giải mã món quà bí mật mà Đại đội mình nhận được.
Kể từ khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho phép các trường tổ chức chào cờ tập trung cùng các hoạt động giáo dục ngoại khóa, gần như tuần nào Trường Tiểu học Lê Lai cũng tổ chức các hoạt động vui chơi vừa mang tính chất rèn luyện kỹ năng kết hợp kiểm tra kiến thức.
Em Cao Minh Khuê (HS lớp 3/4, Trường Tiểu học Lê Lai) hào hứng kể: “Trò chơi nào chúng em cũng được cô giáo chia theo nhóm, mỗi nhóm có từ 6 - 10 bạn. Các bạn trong nhóm phải biết phối hợp với nhau mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như hai bạn cùng di chuyển về đích để đính từ vựng tiếng Anh vào bảng phải khéo léo làm sao để quả bóng kẹp ở giữa không bị rơi mới được công nhận kết quả. Em thấy các trò chơi rất thú vị”.
Giờ ra chơi, Lê Đăng Quốc – học sinh lớp 11/5, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và các bạn có thể ra sân chơi chứ không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học như trước đây nữa. “Việc tập trung chào cờ đầu tuần toàn trường mang lại cho chúng em trở lại cảm giác như trước khi phải chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch. Giờ chào cờ, ngoài việc thầy cô phổ biến nội dung thi đua trong tháng còn có các tiết mục văn nghệ do các lớp biểu diễn. Cảm giác thoải mái hơn rất nhiều khi mọi thứ gần như trở lại trạng thái bình thường”, Đăng Quốc nói.