Hàng loạt giáo viên bị “quên” tiền trợ cấp, Chủ tịch huyện Krông Búk nói gì?

GD&TĐ - Nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng vì không nhận được tiền trợ cấp của Chính phủ đối với giáo viên công tác tại vùng khó khăn. 

Các giáo viên ý kiến về việc chi trả chế độ trợ cấp.
Các giáo viên ý kiến về việc chi trả chế độ trợ cấp.

Mới đây, 8 giáo viên công tác tại xã Ea Sin (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng về việc chưa được chi trả chế độ trợ cấp cho giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng khó khăn trong thời gian dài.

Ông Nay Minh Cương – Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Krông Búk, đại diện tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho 8 giáo viên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ (Nghị định 116 - PV) có hiệu lực từ ngày 1/3/2011 nhằm hỗ trợ chính sách phụ cấp thu CBCCVC về công tác tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì những giáo viên này thuộc diện được trợ cấp.

Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng 8 giáo viên chỉ nhận được tiền trợ cấp từ năm 2011 – 2015. Từ năm 2015 đến nay, những giáo viên này không được hưởng chế độ theo quy định.

Cũng liên quan đến việc chậm chi trả tiền trợ cấp, bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) cho biết, theo Nghị định 61 năm 2006 của Chính phủ quy định: Trợ cấp lần đầu đối với các giáo viên công tác ở vùng khó khăn là 4 triệu đồng.

Sau đó, đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 19 sửa đổi một số điều, trong đó có sửa đổi nội dung, tiền trợ cấp lần đầu đối với các đối tượng trên là 10 tháng lương tối thiểu.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, mặc dù có quy định nhưng từ năm 2011, một số giáo viên công tác có thời gian công tác trên 5 năm tại trường đến nay chưa nhận được chế độ trợ cấp ban đầu.

Cũng theo bà Oanh, việc không nhận được tiền trong nhiều năm gây ảnh hưởng đến tâm lí và kinh tế gia đình của các giáo viên.

Một giáo viên công tác tại xã Ea Sin (huyện Krông Búk) cho hay, mặc dù khu vực này là xã đặc biệt khó khăn và giáo viên được hưởng phụ cấp khu vực 0,5 so với mức lương tối thiểu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm, nhưng nhiều giáo viên tại xã mặc dù đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí nhưng chỉ nhận được mức phụ cấp khu vực 0,4 so với mức lương tối thiểu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Búk thông tin, việc chi trả chế độ chính sách đối với cán bộ trên địa bàn huyện vẫn còn có sai sót, chậm chạp và hạn chế.

Tuy nhiên theo ông Mỹ, sau khi nhận được phản ánh về một số người chưa được hưởng phụ cấp lần đầu, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu, xác minh nếu đúng như phản ánh, đơn vị sẽ tiến hành chi trả đầy đủ.

Còn đối với 8 giáo viên đã có đơn cầu cứu, ông Mỹ cho hay, thời gian từ năm 2011-2015 những giáo viên này vẫn được nhận trợ cấp theo quy định. Sau khi hết 5 năm công tác, một số giáo viên vẫn còn ở lại làm việc tại xã nhưng không được hưởng chế độ nữa.

Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho rằng, Nghị định 19 là nghị định bổ sung, điều chỉnh một số điều có lợi cho các giáo viên. Theo đó, đối với các cán bộ, giáo viên sau 5 năm công tác (đã hưởng chế độ Nghị định 116) mà chưa được điều động trở về nơi cũ sẽ tiếp tục được hưởng chế độ theo tinh thần của Nghị định 19.

“Để hưởng chế độ trợ cấp cho giáo viên theo Nghị định 19, các cán bộ, giáo viên tại khu vực này phải thuộc diện luân chuyển. Đối chiếu với trường hợp 8 giáo viên trên thì những viên chức này thuộc trường hợp khác nên không được nhận trợ cấp theo nghị định này.

Cụ thể, 2/8 trường hợp giáo viên thuộc đối tượng bổ nhiệm viên chức quản lý, 6 người còn lại thuộc đối tượng điều động công tác”, ông Mỹ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ