Tác phẩm trở nên nổi tiếng, tác giả ngã ngửa vì 'vẫn chưa phải… của mình'

GD&TĐ - Một tác phẩm đoạt giải cao bị xâm phạm bản quyền, khi phải đối chất kẻ cắp hỏi ngược tác giả 'lấy gì chứng minh đây là tác phẩm của anh?'.

Mới đây phim 'Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh' bị quay lén và tung lên mạng. Ảnh: ITN.
Mới đây phim 'Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh' bị quay lén và tung lên mạng. Ảnh: ITN.

Tác giả lúc này mới ngã ngửa, vì tác phẩm dù rất nổi tiếng, nhưng vẫn chưa phải là… của mình!

Vật vã đòi bản quyền

“Chưa phải là của mình” vì tác giả “quên” không đăng ký tác quyền. Đây tưởng chỉ là câu chuyện hài hước nhưng lại có thật, và đã vô cùng rắc rối khi kẻ cắp nhanh chân đăng ký trước. Câu chuyện cũng chứng minh quyền và nghĩa vụ của nghệ sĩ khi muốn đứa con tinh thần của mình có “giấy khai sinh”.

Nhiều người nghĩ đơn giản khi tưởng lúc nào muốn đăng ký tác quyền cứ đi đăng ký là xong. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cho đến nay không ít nghệ sĩ vẫn quên nghĩa vụ, hoặc thờ ơ trong việc bảo vệ đứa con tinh thần của mình vì quan niệm “nó là của mình nên không việc gì phải đăng ký tác quyền”.

Chính việc coi nhẹ vấn đề sở hữu trí tuệ và thái độ thờ ơ với tài sản của chính mình đã và đang đem lại vô vàn rắc rối khi tác phẩm bị xâm phạm, bị đánh cắp hoặc bị chủ thể nào đó biến tấu.

Ví dụ điển hình nhất chính là ca khúc “Gánh mẹ” - tác phẩm được đông đảo công chúng yêu mến và gần đây cũng thu hút sự chú ý của dư luận bởi tranh chấp bản quyền phần lời bài hát giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Beem.

Trước đó, năm 2019 nhà thơ Trương Minh Nhật đã khởi kiện Quách Beem vì anh này đã sử dụng trái phép bài thơ “Gánh mẹ” mà ông là tác giả để phổ nhạc. Đồng thời, ông Nhật cũng viết đơn gửi Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả bài hát “Gánh mẹ” mà Cục đã cấp cho nghệ sĩ Quách Beem.

Cũng chính vì nhà thơ Trương Minh Nhật không đăng ký bản quyền cho tác phẩm nên đã phải lao công, nhọc trí mất gần 5 năm theo đuổi vụ kiện, cuối cùng mới được công nhận là tác giả, chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát “Gánh mẹ” kia. Trong quá trình kiện tụng tranh chấp, các cơ quan chức năng và cả tác giả đã rất vất vả trong việc chứng minh và phân định để tác quyền về đúng chủ nhân.

Theo thống kê của Cục Bản quyền tác giả, trong một thời gian dài, số lượng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được yêu cầu cấp còn rất “khiêm tốn” so với thực tế sáng tạo. Bản thân các tác giả không chỉ thờ ơ với tác phẩm của mình, mà trong nhận thức của họ còn tồn tại cả những quan niệm sai lầm. Bên cạnh đó là sự lười biếng của tác giả khi phải đối mặt với các thủ tục hành chính theo quy định.

Trong vai trò giám tuyển nghệ thuật “đỡ đầu” cho nhiều họa sĩ tổ chức triển lãm, nhà nghiên cứu Lý Đợi nhìn nhận: “Bản quyền ở nước ta, nếu xét các văn bản pháp quy thì căn bản là đầy đủ, nhưng để áp dụng vào thực tế thì còn nhiều vướng mắc. Đầu tiên là ý thức, thói quen tôn trọng bản quyền chưa cao, mà nhu cầu vi phạm, lợi dụng bản quyền thì khá phổ biến. Thứ hai, các định nghĩa, định chế và chế tài với vi phạm bản quyền còn nhiều lơ là, bất cập”.

Thậm chí theo ông Lý Đợi, có một bộ phận người đi đăng ký chưa minh bạch, có tình trạng cướp trắng trợn - nghĩa là lấy tác phẩm của người khác đi đăng ký trước.

Trong một số vụ kiện tác quyền, việc đổ lỗi cho ai cũng đều vướng vì bản thân một số nghệ sĩ rất chủ quan, “mỡ để miệng mèo” kiểu thách thức kẻ trộm “có giỏi thì ăn cắp đi”. Đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”, rồi xảy ra sự vụ kiện tụng lại mất thời gian.

Tại sao phải bảo vệ bản quyền?

Vì không đăng ký tác quyền nên phải mất gần 5 năm, bài thơ 'Gánh mẹ' của nhà thơ Trương Minh Nhật mới về chính chủ.

Vì không đăng ký tác quyền nên phải mất gần 5 năm, bài thơ 'Gánh mẹ' của nhà thơ Trương Minh Nhật mới về chính chủ.

Ngày 6/9, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay: Theo định nghĩa, bản quyền là quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Thông thường, ngay tại thời điểm mà tác giả tạo ra sản phẩm thì tác phẩm đó đã là của họ. Nghĩa là không cần phải đăng ký, thì quyền này đã là bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, ông Lý Đợi khuyến cáo nghệ sĩ nên đăng ký tác quyền, bởi mục đích của bảo hộ bản quyền hay bảo vệ bản quyền là để thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển của khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Điều này cũng là phần thưởng cho các tác giả như một sự tôn trọng và bồi hoàn cho những sáng tạo mà họ đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Thứ hai là đảm bảo quyền cho tác giả đối với tác phẩm, gồm: Quyền kinh tế - cho phép tác giả độc quyền khai thác tác phẩm của mình ở các hình thức thương mại; quyền nhân thân bảo vệ lợi ích cá nhân về tên tuổi của tác giả, gắn liền với tác phẩm cũng như tính được bảo quản, vẹn nguyên của tác phẩm trong khi sử dụng khai thác; quyền tinh thần - bảo vệ những lợi ích phi kinh tế cho tác giả.

Luật Sở hữu trí tuệ thông qua, ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, đã dành một chương riêng về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Nội dung này được quy định cụ thể hơn về bảo vệ bản quyền, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và các bên có nhu cầu đăng ký thực hiện.

Nghị định trên quy định cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm tác phẩm văn học, khoa học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian… Đặc biệt, nghị định này còn quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền.

Có thể nói đây là lần đầu tiên, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số được quy định cụ thể - gồm cả quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin khi nhận được yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Để hạn chế vấn nạn xâm phạm bản quyền và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sáng tạo, mới đây Bộ VH,TT&DL đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định 11 mẫu văn bản, giấy chứng nhận trong hoạt động đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo Cục Bản quyền tác giả, Nghị định - Thông tư mới có nhiều quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt tập trung vào quy định bảo vệ bản quyền trong môi trường số. Những hành vi xâm phạm bản quyền sẽ bị xử phạt với các quy định khá rõ ràng và cụ thể. Đồng thời, những hành vi gian dối trong đăng ký bản quyền sẽ bị phạt nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ