Bản quyền truyền hình V.League được bán giá cao thì không chỉ đơn vị tổ chức có lợi mà các câu lạc bộ cũng được chia sẻ doanh thu. Ảnh: VPF
So sánh với Premier League với V.League có thể khập khiễng nhưng lấy giải vô địch quốc gia có sức hút lớn nhất thế giới làm ví dụ để thấy rằng, lợi ích mà bản quyền truyền hình mang lại là thực sự lớn, không chỉ cho ban tổ chức và các câu lạc bộ.
Vài ngày qua, bóng đá Việt Nam xôn xao chuyện bản quyền truyền hình V.League từ mùa giải 2023 được bán với giá cao – gấp 20 lần so với bản hợp đồng hiện tại chuẩn bị hết hiệu lực. Giới truyền thông và các nhà chuyên môn cảm thấy mừng cho một bước tiến quan trọng của V.League trong vấn đề mà đã từ rất lâu rồi, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xác định sẽ là “nguồn thu có giá trị cao” để phát triển giải đấu.
Theo một cách nào đó, vấn đề bản quyền truyền hình tại Việt Nam đi theo hướng “không ổn” trong gần 20 năm qua. Giá trị mang lại không đủ lớn, hay nói thẳng là quá nhỏ bé để có thể “chia phần” cho các câu lạc bộ.
Cứ lấy ví dụ đội bóng mới thăng hạng ở giải Ngoại hạng Anh được chia khoảng hơn 100 triệu bảng đủ để thấy, khai thác và phát triển được vấn đề bản quyền truyền hình sẽ có lợi như thế nào cho bóng đá quốc gia. Giờ thì cả thế giới theo dõi Premier League.
Trở lại với V.League, chặng đường đã qua thôi không nhắc lại. Hướng đến tương lai, việc FPT bắt tay với Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mua bản quyền V.League có thể coi như bước đi đầu cho một tương lai tươi sáng hơn.
Có thể, nhiều người cho rằng, bán bản quyền truyền hình chỉ mang lại lợi nhuận cho đơn vị tổ chức. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi còn có nhiều bên khác cũng được hưởng lợi.
Đầu tiên, với VPF, giá trị bản quyền truyền hình tăng cao sẽ giúp các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia ổn định hơn trong khâu tài chính. VPF có thêm chi phí để đầu tư cho các vấn đề tổ chức, cơ sở hạ tầng.
Hình ảnh của các giải đấu chuyên nghiệp trong nước cũng sẽ được lan tỏa rộng rãi. Ảnh: VPF
Như gần đây, rất nhiều ý kiến mong muốn V.League phải có VAR để hạn chế những sai sót không đáng có của các trọng tài. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào công nghệ này lại rất đắt đỏ. Nguồn thu từ bản quyền truyền hình có thể phần nào hỗ trợ cho vấn đề này.
Thứ hai, nhờ bản quyền truyền hình, VPF cũng có thể chia sẻ doanh thu cho các câu lạc bộ. Việc chia sẻ này có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, có thể là tiền mặt, hoặc có thể triển khai các kế hoạch nâng cấp giải đấu, bổ sung trang thiết bị, điều kiện thi đấu cho các đội.
Các đội bóng có thêm kinh phí cho hoạt động của mình, từ nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư chuyển nhượng cầu thủ, phát triển bóng đá trẻ hoặc các hoạt động phát triển thương hiệu.
Thứ ba, FPT Play là công ty thành viên của Tập đoàn FPT, có thế mạnh đa ngành nghề và phủ đến từng hộ dân trên khắp 63 tỉnh thành trên Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc phát triển bóng đá, hình ảnh của các câu lạc bộ và giải đấu sẽ được truyền tải mạnh mẽ, FPT sẽ hỗ trợ được các giải đấu phát triển trên nhiều lĩnh vực xoay quanh bóng đá để bắt kịp với xu thế thời đại, nhất là phát triển bóng đá phong trào địa phương.
Cũng nhờ đó, người hâm mộ Việt Nam có thể theo dõi và hiểu hơn về những khó khăn vất vả của các đội bóng cấp câu lạc bộ trên toàn quốc, nơi ươm mầm các cầu thủ cho quốc gia.
Nhờ sự lan tỏa đó, thương hiệu của V.League không chỉ được khẳng định ở trong nước mà còn dần tạo ảnh hưởng ra các quốc gia khác.
Mức giá bản quyền truyền hình cũng là một phần nói lên tầm cỡ, vị trí của giải vô địch quốc gia. Giải đấu hấp dẫn hoàn toàn có thể chào đón các nhà đầu tư từ nước ngoài đến mua bản quyền truyền hình trong tương lai…