Tỉnh Gia Lai đang khắc phục, đảm bảo về thiết bị và bảo mật nhằm kịp thời kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý I/2023. Về sự chậm trễ này, trao đổi với Báo GD&TĐ, cơ quan hữu trách tỉnh này có lý giải bước đầu.
Trên bảo... dưới không nghe
Theo quy định của Luật Cư trú, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không đề nghị người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 2/3, tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) vẫn còn tình trạng nhân viên yêu cầu người dân nộp sổ hộ khẩu photo, công chứng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (huyện Chư Păh) cho hay, nhiều năm về trước gia đình bà mua một mảnh đất. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, giấy tờ bị sai thông tin về ngày, tháng, năm sinh.
Đến nay, gia đình bà muốn sang nhượng lại mảnh đất này nên muốn đính chính thông tin. Tại bộ phận một cửa của UBND huyện Chư Păh, bà Hạnh đã nộp một số giấy tờ liên quan và sổ hộ khẩu gốc, photo. Tuy nhiên, nhân viên vẫn yêu cầu bà Hạnh phải đi công chứng sổ hộ khẩu để nộp lại.
“Theo tôi được biết, hiện nay đã không còn sử dụng sổ hộ khẩu nữa. Tuy nhiên, tránh đi lại nhiều lần, tôi vẫn photo và mang theo sổ hộ khẩu gốc để sử dụng khi cần thiết. Thế nhưng đến đây nhân viên vẫn yêu cầu tôi phải công chứng sổ hộ khẩu. Điều này gây mất thời gian, phiền hà và tốn kém cho tôi”, bà Hạnh nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Châu, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Păh, cho hay, sổ hộ khẩu chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2022. Hiện nay, trong quá trình làm các thủ tục hành chính, địa phương không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu.
Khi phóng viên phản ánh về việc nhân viên tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính UBND huyện Chư Păh vẫn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu. Ngay sau đó, ông Châu xác minh và cho biết, do nhân viên mới nên chưa nắm rõ để xảy ra sai sót, nhầm lẫn khi yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu.
“Qua phản ánh của phóng viên, đơn vị xác minh thì phát hiện một trường hợp nhân viên bên lĩnh vực đất đai yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu. Đơn vị đã quán triệt lại và yêu cầu nhân viên này liên hệ xin lỗi công dân”, ông Châu nói.
Còn Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Chư Păh, Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trên địa bàn có trên 98% người dân đã làm CCCD. Hiện tại có một số trường hợp chưa làm CCCD do đi làm ăn xa hoặc người vừa đủ 14 tuổi.
Theo Công an huyện Chư Păh, hiện tại khi giải quyết các thủ tục hành chính, lực lượng công an không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy…
Một người dân ở huyện Chư Păh vẫn phải cung cấp sổ hộ khẩu khi đến làm thủ tục liên quan đến đất đai. |
Chờ đấu thầu mua bản quyền…
Chiều cùng ngày, theo ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính UBND TP Pleiku, khi đến làm các thủ tục hành chính nhiều người dân vẫn mang theo sổ hộ khẩu để “phòng hờ”.
Tuy nhiên, nhân viên không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Chị Rơ Châm Ling (trú tỉnh Gia Lai) cho hay, đến bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính UBND TP Pleiku để làm một số thủ tục liên quan đến lý lịch, tư pháp.
Nghĩ rằng thủ tục yêu cầu có sổ hộ khẩu nên chị mang theo để tránh phải đi lại nhiều lần. Thế nhưng trong quá trình làm việc nhân viên chỉ yêu cầu chị cung cấp CCCD nên rất thuận tiện và nhanh chóng.
Vấn đề tỉnh Gia Lai chưa hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại diện Sở TT&TT tỉnh Gia Lai cho biết, về mặt kỹ thuật hiện tại địa phương đã có thể kết nối. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có 14 vấn đề về bảo mật cần phải khắc phục. Hiện, địa phương đã khắc phục được 11 vấn đề, còn 3 nội dung phải đầu tư, mua bản quyền nên cần đấu thầu.
Để đảm bảo kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý I/2023, Sở TT&TT đã đề nghị Viettel Gia Lai và VNPT Gia Lai quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật, giải pháp, như: Thiết bị cân bằng tải, thiết bị quản lý sao lưu dự phòng tập trung, giải pháp phòng chống thất thoát dữ liệu (DLP) và hỗ trợ dịch vụ phòng chống tấn công từ chối dịch vụ (DDOS)….
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Gia Lai cũng đề nghị 2 đơn vị đề xuất các giải pháp tổng thể và lâu dài để triển khai hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ kết nối Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở các dịch vụ hiện có.
Theo lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Gia Lai, địa phương đang khắc phục, đảm bảo về thiết bị và bảo mật. Sau đó sẽ mời Bộ Công an vào kiểm tra nhằm kịp thời kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý I/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm
“Gia Lai là một trong 3 tỉnh chưa hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối. Chủ tịch UBND các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ. Chính phủ nêu rõ là không được yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.