- Thưa ông, thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, ông có yêu việc đọc sách? Tác phẩm nào tác động đến ông mạnh mẽ nhất?
Tác giả Trần Ngọc Phú: Thời còn trên ghế nhà trường, (khi đang học các lớp cấp1 và 2), tôi rất say mê đọc sách. Tôi thường đọc những tác phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng, trong đó có những gương thiếu nhi dũng cảm, hy sinh vì đất nước như Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc, và các nhân vật trong truyện “Đội du kích xã Đình Bảng”…
Lớn lên tôi thích đọc tác phẩm “Sống như Anh” viết về gương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, và đọc những cuốn sách nổi tiếng của văn học Nga và Xô-viết, văn học Pháp, Anh… như: “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tôn-x-tôi, “Thép đã tôi thế đấy” của Ni-cô-lai Ô-x-tơ-rốp-x-ki… “Bá tước Mông-tơ-crit-tô”, “Những người khốn khổ” của Vích-to Huy gô, “Hội chợ phù hoa” của Thác-kơ-rê…
Nhưng tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, là cuốn sách “gối đầu giường” của thanh niên thời đó, nhất là nhân vật chính Pa-ven Cooc-sa-ghin – tấm gương cho chúng tôi học tập. Và, tác phẩm cũng như nhân vật này đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm trí tôi cả một thời trai trẻ.
- Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm từng có khi đọc, làm theo sách, những chuyện mới mẻ xảy đến trong cuộc sống sau khi đọc một tác phẩm văn học nào đó?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất về việc đọc sách của tôi là năm học lớp 4, tôi thổi cơm trong bếp bằng rơm rạ, vừa nấu cơm vừa đọc sách nên tôi để lửa cháy lan ra bếp, suýt nữa thì căn bếp nhà tôi bị cháy rụi.
May mà mẹ tôi về kịp và chúng tôi dập tắt được lửa. Mẹ vụt cho tôi mấy roi thật đau và mắng “Suốt ngày chỉ sách với truyện, tí nữa thì cháy bếp. Mai kia lấy sách mà ăn thay cơm nhé!”. Lần thứ 2 là năm tôi đang học lớp 7, tôi mải đọc “Thép đã tôi thế đấy” tới lúc buồn ngủ quá, đã gục đầu vào đèn dầu, cháy sém hết cả tóc trên trán, suýt nữa thì bị bỏng.
Tôi đọc “Thép đã tôi thế đấy”, chỉ ước mình lớn lên sẽ được như người Anh hùng Pa-ven và có một tình yêu đẹp như tình yêu giữa Pa-ven với Tô-nhi-a. Và tôi sẽ gác lại tình yêu đẹp đẽ đó để lên đường chiến đấu vì Tổ quốc.
Sau khi đọc cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, khi tôi vào quân ngũ, lên đường đi chiến đấu, trong hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, tôi đã học tập theo gương những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết, đã mấy lần tôi gác bỏ tình yêu của những cô gái đến với tôi để tập trung cao độ cho chiến đấu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được đặt lên trên hết. Tôi đã bị nhiễm cái tính khắc kỷ của Pa-ven trong tiểu thuyết.
- Thuở đi học, ông có được điểm cao trong môn Văn? Thầy, cô giáo dạy văn nào gây ấn tượng với ông, và khiến ông thay đổi?
Tôi là học sinh giỏi văn, đã có bài văn tiêu biểu hồi cuối năm lớp 4 được đọc trước toàn trường. Trong tất cả các năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đều học giỏi văn và được tặng thưởng Giấy khen. Cô giáo Khanh và cô giáo Tốt người Miền Nam tập kết ra Bắc đã gây ấn tượng với tôi trong các giờ học văn, do bài giảng của các cô làm cho tôi càng say mê học văn hơn.
- Trong suốt những năm tháng dài chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, và trên đất bạn Campuchia, ông đã viết những gì? Những ý tưởng về đời sống chiến đấu, những gian khổ, hy sinh khốc liệt, thậm chí là những điều khó nói có thôi thúc ông cầm bút?
Trong suốt những năm dài chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia, tôi không viết gì cả. Lý do mà tôi không muốn viết nhật ký là bởi cần giữ bí mật quân sự và một phần vì do quan niệm tâm linh cho rằng người viết nhật ký hay bị xui xẻo, dễ bị hy sinh.
Song, trong thời kỳ huấn luyện, tôi làm tổ trưởng tổ thông tin, hàng ngày phải tổng hợp tình hình của đơn vị để đọc trên loa vào mỗi buổi tối. Thời gian chiến đấu tại Campuchia, tôi là Phó ban, rồi Trưởng ban Dân địch vận của Trung đoàn, nên thường phải ghi chép tổng hợp tình hình chung để báo cáo.
Tôi lại có một trí nhớ rất tốt, những trận chiến đấu hàng ngày của tôi và đồng đội đã in sâu trong trí nhớ của tôi. Và chính những điều đó đã thôi thúc tôi nảy sinh dự định: Khi chiến tranh kết thúc, được giải ngũ về quê hương, tôi sẽ viết lại toàn bộ những thực tế chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh mà tôi và đồng đội đã trải qua.
- Việc viết ba tập sách “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” liệu có phải là giải pháp tinh thần khiến ông tự chữa lành nỗi đau, ám ảnh của thời thanh xuân dâng hiến cho chiến trường và phải chịu đựng một đời sống khủng khiếp nhất, khi dầm mình trong nước lạnh thâu đêm chịu đỉa hút máu, khi phơi mình nơi chiến trường trống trải hứng đạn bom?
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, giải phóng đất nước Campuchia, cứu dân tộc và nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng là một cuộc chiến tranh mang tầm vóc cực kỳ to lớn, mà tôi và đồng đội tôi đã phải trải qua những năm tháng vô cùng cam go, khốc liệt.
Sự mất mát, hy sinh của đồng đội tôi và nhân dân hai nước là vô cùng to lớn, nhưng trong thời gian đầu chưa được quốc tế hiểu đúng, và trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến tranh cho đến mãi sau này không được các phương tiện thông tin báo chí đại chúng đề cập và phản ánh một cách xứng đáng.
Rất nhiều người không biết, hoặc không hiểu hết bản chất của cuộc chiến tranh, nên không nhận thức được tính chất khốc liệt của nó cùng sự gian khổ, hy sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính thực tế thiếu thông tin đó đã thôi thúc tôi viết bộ hồi ký nhằm ghi lại những năm tháng chiến đấu, cống hiến tuổi trẻ, hy sinh xương máu để làm tròn nhiệm vụ mà người lính được giao, là sự tri ân với đồng đội và đồng bào.
- Khi nhận thông tin tác phẩm “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” được trao giải thưởng Văn học sông Mekong 2020, cảm xúc của ông thế nào?
Khi tôi nhận được thông tin tác phẩm “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” của tôi được trao giải thưởng Văn học sông Mekong năm 2020, cảm xúc đầu tiên đến với tôi là vui mừng, phấn khởi, xúc động vì tác phẩm tâm huyết của mình đã được đánh giá đúng mức, và tác phẩm này sẽ tiếp tục tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn để mọi người thêm hiểu hơn về ý nghĩa và tầm vóc to lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả này.
- Trước khi đoạt giải thưởng, nội dung bộ sách “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” đã lan rộng trên mạng, thậm chí còn được phát trên một kênh truyền hình, ông nhận thấy hiệu quả của tác phẩm thế nào?
Trước khi đạt giải thưởng, nội dung bộ sách đã được trang mạng Dựng nước giữ nước (Lịch sử QĐND Việt Nam) và kênh truyền thông Win win Việt Nam đọc, phát trên YouTube, đã có hàng triệu lượt người truy cập, làm cho nội dung bộ sách được lan tỏa rộng trong cộng đồng.
Những người đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu thấy rằng sự cống hiến, hy sinh của mình đã được ghi nhận và nhắc tới. Đối với lớp trẻ và những người chưa biết hoặc hiểu biết còn hạn chế về cuộc chiến tranh này thì hiểu biết thêm, hiểu sâu hơn về bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh này. Và như vậy, mục đích của tác giả và tác phẩm đã thành công.
- Trong năm tới đây (2021), kế hoạch viết của ông thế nào? Ông sẽ tiếp tục viết với chủ đề chiến tranh, hay sẽ khai thác những mảng khác của đời sống?
Hiện tại, tôi đang viết một cuốn sách mới cũng về đề tài người lính, đã viết được trên 100 trang A4. Bước sang năm 2021, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để xuất bản tập sách này.
- Xin cảm ơn ông!