Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc về hậu quả của cuộc xung đột Nga – Ukraine do Tổng Thư ký Antonio Guterres trình bày hôm 9/6 đã nhấn mạnh, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính đang mang tính hệ thống và ngày càng gia tăng tính nghiêm trọng.
Đây là đánh giá chính thức của tổ chức lớn nhất hành tinh về cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng chưa có hồi kết. Ông Antonio Guterres cảnh báo, cuộc chiến này đang đe dọa mở ra một làn sóng đói kém chưa từng có, gây ra sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội đối với mọi người dân trên toàn thế giới.
Một trong những tác động rõ nét nhất kể từ khi xung đột nổ ra là giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt và gần chạm mốc kỷ lục.
Riêng mặt hàng phân bón toàn cầu đã tăng gấp đôi, chủ yếu do quốc gia xuất khẩu phân bón thành phẩm và nguyên liệu sản xuất phân bón số một thế giới là Nga đã cấm xuất khẩu mặt hàng này, để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một quốc gia khác cũng đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung phân bón toàn cầu là Belarus cũng đang không thể đưa mặt hàng này ra thế giới do bị bao vây cấm vận.
Giá phân bón tăng cao đã đẩy chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp toàn thế giới tăng phi mã, dẫn đến sản xuất bị thu hẹp và sản lượng lương thực, thực phẩm cũng vì thế sụt giảm mạnh. Do đó, từ sự thiếu hụt phân bón đã lan sang thiếu hụt ngô, lúa mì và hầu hết các loại cây trồng thiết yếu khác bao gồm lúa gạo.
Kết quả là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới cuộc sống của hàng tỷ người ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ do thiếu khả năng tiếp cận lương thực so với trước.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu cuộc xung đột không sớm kết thúc thì sang năm thế giới sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu lương thực một cách trầm trọng và nạn đói sẽ xuất hiện ở nhiều nơi.
Vì vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tuyên bố chỉ có một cách duy nhất ngăn chặn “cơn bão đang hình thành này” là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine phải kết thúc.
Trong khi các cuộc giao chiến ở miền Đông Ukraine đang ngày càng dữ dội, khả năng chấm dứt cuộc xung đột sớm như vậy là chưa thể diễn ra.
Vì vậy Liên Hợp Quốc đang đề nghị các bên liên quan đàm phán một gói thỏa thuận, để mở đường cho ngũ cốc của Ukraine đi qua Biển Đen một cách an toàn, cung ứng cho thị trường toàn cầu đang khan hiếm mặt hàng này.
Ukraine vốn là nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới nhưng trong hơn 3 tháng qua, mặt hàng này phải nằm im trong kho do xung đột, trong khi nhu cầu thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng nỗ lực khơi thông nguồn cung phân bón của Nga cho thế giới để “giải cứu” ngành sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước.
Đó là chưa kể đến việc thiếu hụt năng lượng từ Nga đang gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện ở nhiều nơi trên thế giới.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 94 quốc gia, nơi sinh sống của khoảng 1,6 tỷ người, đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ít nhất một khía cạnh trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cuộc chiến do đó đã không còn là vấn đề của riêng hai nước, hay của châu Âu mà là mối lo của cả thế giới.