Bí mật kỳ lạ từ những chiếc T-54 cũ của Nga
Trong mấy ngày qua, giới truyền thông và mạng xã hội đưa tin về việc Nga sử dụng những xe tăng cổ lỗ sĩ như T-54 để tấn công vào phòng tuyến của Quân đội Ukraine, nhưng với một vai trò rất mới, chứ không phải với tư cách là một phương tiện tấn công hỏa lực và che chắn bộ binh truyền thống.
Theo đó, những chiếc xe tăng không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại đã được Nga biến thành một phương tiện cơ giới chứa chất nổ (VBIED), điều mà chúng ta chỉ thường chỉ thấy ở những chiếc ô tô, xe máy hay xe cơ giới thô sơ trên các chiến trường Syria, Iraq…
Hôm 19/6, tài khoản Telegram chuyên đăng tư liệu về xung đột Nga-Ukraine là Intel Slava Z đã chia sẻ một video quay từ UAV cho thấy khoảnh khắc một xe tăng T-54 không người lái của quân Nga tấn công tuyến phòng thủ của lực lượng vũ trang Ukraine gần thành phố Maryinka, thuộc tỉnh Donetsk.
Video cho thấy, “chiếc xe tăng tự sát” này di chuyển hướng đến vị trí phòng thủ của quân Ukraine ở một bìa rừng, nhưng nó không tiếp cận được mục tiêu, vì vướng phải mìn quân Ukraine cài ở cách điểm phòng thủ khoảng 100 mét.
Chiếc xe tăng dừng lại nhưng không phát nổ và điều kinh hoàng đã xảy ra ngay sau đó.
Xem clip vụ nổ kinh hoàng của xe tăng T-54 VBIED Nga khi trúng đạn:
Xem clip vụ nổ kinh hoàng của xe tăng T-54 VBIED Nga khi trúng đạn: |
Một binh sĩ Ukraine bắn một quả đạn chống tăng vào chiếc T-54 khiến nó phát nổ dữ dội và tạo ra luồng sóng xung kích quét qua toàn bộ khu vực xung quanh với bán kính hàng trăm mét; thậm chí, luồng khói từ vụ nổ còn bốc cao tới hàng trăm mét, từ rất xa cũng có thể quan sát được.
Điều này cho thấy, sức công phá của vụ nổ là cực kỳ ghê gớm, vượt xa sức nổ của vài chục quả đạn trong xe và lượng nhiên liệu mà nó mang theo.
Video không xác định được mức độ thiệt hại của đơn vị Ukraine trong chiến hào nhưng có thể nhận thấy rằng, nếu chiếc xe tăng tiến được gần hơn đến chiến hào thì vụ nổ khổng lồ này có thể sẽ quét sạch lực lượng phòng thủ ở đây.
Thuyết minh của tài khoản này giải thích, chiếc T-54 này thực chất đã được Nga biến thành một “xe tăng không người lái cảm tử” giống như một phuơng tiện cơ giới chứa chất nổ (VBIED), bằng cách tháo dỡ những trang, thiết bị không cần thiết trong các khoang xe và nhồi vào đó tới 6 tấn TNT.
Những chiếc VBIED đầu tiên trên nền tảng xe tăng T-54 dường như chưa có hệ thống điều khiển từ xa, mà chỉ được nổ máy, cài số và chỉnh hướng sẵn để tiến thẳng tới khu vực phòng thủ của đối phương. Khi tiếp cận mục tiêu, khối thuốc nổ được kích hoạt bằng điều khiển từ xa.
T-54 VBIED: Khắc tinh của các hệ thống phòng thủ
Trước đây, Quốc phòng Nga đã từng cho biết, lực lượng Nga đã sử dụng xe tăng, thiết giáp cũ như một “khối thuốc nổ di động” để tấn công các đơn vị Ukraine.
Thậm chí, binh sĩ Nga đã nhồi vào khoang chứa của xe thiết giáp MT-LB thu được của Ukraine tới 3,5 tấn thuốc nổ và 5 quả bom FAB-100, sau đó điều khiển nó lao tới cứ điểm Ukraine cách đó 300m và kích nổ, khiến đối phương chịu thiệt hại nặng nề về người và khí tài.
Theo giới chuyên gia quân sự, trong thời gian qua Nga đã đưa rất nhiều xe tăng T-54 cũ từ kho dự trữ sang chiến trường Ukraine hóa ra không phải là do cạn kiệt kho dự trữ xe tăng chiến đấu chủ lực, mà nhằm mục đích sử dụng chúng như những “khối thuốc nổ di động bọc thép”.
Theo chuyên gia Thomas Newdick viết trên chuyên trang quân sự Warzone, biến xe tăng T-54 cũ thành VBIED để tấn công các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Ukraine có thể trở thành xu hướng mới và phổ biến của Quân đội Nga trên khắp chiến trường.
Theo ông, Nga đang sở hữu kho dự trữ rất lớn tới hàng chục ngàn xe tăng và xe bọc thép cũ từ thời Liên Xô, quá trình tháo gỡ bớt các trang thiết bị không cần thiết trong khoang để biến chúng thành xe bom rất đơn giản và rẻ tiền. Hơn nữa, việc sử dụng chúng như VBIED giúp Nga không mất tiền để phá dỡ, trong khi có thêm một vũ khí hỏa lực cực mạnh.
Điểm đặc biệt trong cách sử dụng các phương tiện hạng nặng như T-54 làm VBIED là khung gầm xe tăng và thiết giáp có khả năng sống sót và cơ động cao hơn, cũng như mang được nhiều chất nổ hơn ôtô dân sự. Điều này bảo đảm khả năng tiếp cận và phá hủy mục tiêu được bảo vệ trong công sự kiên cố.
Theo giới chuyên gia, Nga sẽ phải cải thiện một số vấn đề trong cách sử dụng T-54 làm VBIED, ví dụ như trang bị hệ thống điều khiển từ xa để xe có thể cơ động tốt hơn.
Đây cũng không phải vấn đề quá khó khăn với quân đội Nga bởi họ đã có kinh nghiệm phát triển các robot tự hành trên chiến trường như robot rà phá mìn Uran-6 hay robot chiến đấu Uran-9 của lục quân.
Ngoài ra, Nga cũng cần cải thiện chiến thuật và cách thức sử dụng để làm tăng hiệu quả tác chiến, ví dụ như sử dụng vài chiếc VBIED giả không mang thuốc nổ để làm mồi nhử các hệ thống chống tăng Ukraine lộ diện, sau đó dùng hỏa lực chế áp rồi mới dùng đến các VBIED thực thụ.
Bên cạnh đó, Nga cũng cần kết hợp VBIED với các UAV trinh sát và tự sát để làm tăng khả năng phát hiện, tấn công chính xác các mục tiêu phòng thủ kiên cố hoặc điểm tập kết các nhóm quân lớn.
Nếu làm tốt những vấn đề này, Quân đội Nga sẽ có những chiếc “xe tăng tự sát” được ví như những “khối thuộc nổ biết đi” có khả năng phá vỡ mọi tuyến phòng ngự dù là kiên cố nhất.