Tự chủ đại học cần hành lang pháp lý rõ ràng

GD&TĐ - Các trường đại học công lập  có thể phát triển nhanh hơn nữa nếu được tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc...

Nghiên cứu khoa học ở Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC
Nghiên cứu khoa học ở Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Các trường đại học công lập đang tạo nên hình ảnh đại diện cho giáo dục đại học Việt Nam, không chỉ với số lượng người học mà còn dẫn đầu về chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển ấy có thể nhanh hơn nữa nếu các trường được tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc.

Chưa khai thác thế mạnh

Dự án Khu đô thị ĐHQG TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay chưa thể hoàn thành do vướng về giải phóng mặt bằng và chi phí bồi thường. Diện tích đất đã thu hồi đến tháng 6/2022 chỉ đạt 84% trên tổng số khoảng 643 ha. Điều này đã ảnh hướng đến việc xây dựng các dự án của ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Vướng về thu hồi đất đai cho thấy dù có quy định nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, hành lang pháp lý làm điểm tựa đã khiến những quy định chưa thể “bám sát” cuộc sống. Theo nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dù đơn vị có quỹ đất trong cả nội và ngoại thành nhưng cơ chế cho phép đồng khai thác và sử dụng tài sản công (trong đó có đất đai) chưa rõ ràng nên chưa khai thác hiệu quả dịch vụ, tài sản công. Nếu thực hiện được, sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu của ĐHQG và TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ vướng về đất đai thì các dự án, thiết bị, máy móc, công trình... luôn là vấn đề khiến các trường đại học công lập đau đầu bởi liên quan đến các quy định pháp lý khi sử dụng tài sản công.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), dù ở lĩnh vực nào cũng phải được quản lý vô cùng chặt chẽ. Điều này giúp cho Nhà nước tránh thất thoát tài sản.

Tuy nhiên, với nhiều quy định vẫn đang chồng chéo, một chuyên gia nhận định các trường đại học công lập trở nên “nhát tay” khi sử dụng tài sản công. Hoạt động giáo dục đại học đang chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học và các luật khác như Đấu thầu, Ngân sách Nhà nước, Viên chức, Quản lý tài sản công...

Sự không đồng bộ giữa các quy định có nguy cơ dẫn đến rủi ro cho những nhà quản lý đại học công lập. Điều này dẫn đến e dè của các trường đại học khi thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, dù đây là một trong những hình thức đầu tư giúp các trường nhanh chóng phát triển.

GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề lớn nhất khi sử dụng tài sản công là có chính sách nhưng chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng và quan trọng nhất là trường chưa được giao tài sản công.

“Đã cho các trường tự chủ tài chính thì phải giao tài sản công. Có được giao tài sản công thì cơ sở mới hợp tác công tư được. Nếu không việc mang tài sản công đi hợp tác là không khả thi”, lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết.

Dự án Khu đô thị ĐHQG TP Hồ Chí Minh dù đã bắt đầu từ hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do còn vướng về giải phóng mặt bằng và chi phí bồi thường. Ảnh: NTCC

Dự án Khu đô thị ĐHQG TP Hồ Chí Minh dù đã bắt đầu từ hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do còn vướng về giải phóng mặt bằng và chi phí bồi thường. Ảnh: NTCC

Nhanh chóng “gỡ luật”

“Trên góc độ lý thuyết, giáo dục là lĩnh vực đầu tư lí tưởng vì có sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ thông qua môi trường và cơ chế thuận lợi. Nhưng thực tế, vẫn có sự lo ngại về việc tham gia của tư nhân trong lĩnh vực giáo dục sẽ làm ảnh hưởng vai trò của Nhà nước và có thể dẫn tới xu hướng thương mại hóa giáo dục. Vì vậy, sự tham gia của tư nhân vào hợp tác PPP chủ yếu là doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ”, TS Trần Đình Lý cho biết.

TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, hình thức PPP chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, vì chứa nhiều thách thức, rủi ro theo đặc thù của ngành.

Ông cũng lưu ý, khi tư nhân tham gia vào bất kỳ dự án nào họ cần đảm bảo về lợi nhuận đồng thời phải có sự giám sát, chính sách phù hợp theo từng thời điểm. Bởi lẽ thương mại hóa giáo dục có thể làm gia tăng tính bất bình đẳng trong xã hội, dẫn tới tăng khoảng cách giàu nghèo, ảnh hưởng tới quyền được tiếp cận an sinh xã hội của một bộ phận người dân.

Vậy làm sao để “thoát” khỏi những vấn đề sử dụng tài sản công? “Phải gỡ luật trước! Những khó của chính sách đầu tư cho giáo dục đại học công lập hầu như đều có nguồn từ vấn đề liên quan đến đất đai. Nhưng trong khi chờ gỡ, chúng ta phải “mở” hơn nữa, để các trường đại học linh động khai thác, liên kết tài sản công (ngoài đất) để tận dụng nguồn lực và tăng nguồn thu…”, TS Trần Đình Lý phân tích.

Để có sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục, TS Trần Đình Lý cho rằng nếu những quy định chưa sát với thực tiễn cần mạnh dạn sửa đổi. Ông dẫn ra ví dụ về Nghị định 127/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sau một năm áp dụng, trong số khoảng 300 các trường đại học và cao đẳng đã có tới gần 100 trường bị xử phạt.

“Tôi đã từng ủng hộ việc giáo dục càng tự chủ càng tăng cường thanh kiểm tra để tránh lạm dụng, bất cập. Tôi cũng đồng ý với nhận định mức phạt quá thấp không đủ sức răn đe. Nhưng khi chứng kiến các con số từ kết quả thanh/kiểm tra cơ sở giáo dục thì thấy việc cần làm là hành lang pháp lý, nghị định còn xa rời thực tiễn. Có tới 1/3 cơ sở vi phạm thì chắc chắn cần xem xét lại quy, nghị định!”, TS Trần Đình Lý nói.

Ở một góc độ khác liên quan đến đầu tư vào đại học công lập, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng các trường đại học công lập có nhiều thuận lợi về chính sách đầu tư hơn so với trước kia. Những người lãnh đạo trường đại học phải có trí tuệ để đưa ra định hướng, chiến lược, như thuyền trưởng một con tàu.

“Những khó khăn mà các trường đưa ra như ngưỡng đầu tư PPP tối thiểu là 100 tỷ trong lĩnh vực giáo dục có thể là tương đối cao nhưng với thời giá hiện nay cũng phù hợp. Điều quan trọng là hệ thống trường đại học công lập đang có nhiều thuận lợi so với trường tư, nhất là với chất lượng đầu vào rất tốt. Hiệu trưởng và hội đồng trường phải tìm ra chiến lược phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Vấn đề đầu tư vào con người chưa bao giờ mới. Tại tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14”, PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, chính sách thu hút nhân tài chưa đạt được như mong muốn khi trong 5 năm thí điểm chính sách này, đã có 14/19 nhà khoa học làm việc tại TP rời đi và trong 3 năm, chưa tuyển thêm được chuyên gia nào.

Lãnh đạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh băn khoăn: “Cơ chế chính sách thu hút người tài như hiện nay đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả chưa? Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút người tài có phải là cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.