Vì sao Mỹ không thể biến Ukraine thành ‘Israel thứ hai’?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, Ukraine không hội tụ những phẩm chất giống như Israel, đặc biệt là nội lực của đất nước, trong khi Nga cũng không phải là Iran.

Vì sao Mỹ không thể biến Ukraine thành ‘Israel thứ hai’?

Ba thành tố của Mỹ trong bảo đảm an ninh Israel

Trong bài viết trước chúng ta biết rằng, các tờ báo Mỹ như The New York Times hay Wall Street Journal (WSJ) vừa qua dẫn lời trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, chính quyền Washington đang xem xét cung cấp cho chính quyền Kiev một bảo đảm an ninh theo “mô hình Israel” về hợp tác quân sự.

Tờ báo Mỹ tiết lộ rằng, thỏa thuận này có thể được gọi là “Hiệp ước An ninh Kiev” và dự kiến sẽ được ký kết sau khi các nhà lãnh đạo NATO thống nhất được các điều khoản của nó tại hội nghị thượng đỉnh khối này được tổ chức ở Vilnius - Litva, vào ngày 11-12/7 năm nay.

Trong thỏa thuận này, Mỹ sẽ đóng vai trò là người bảo đảm chính cho các thỏa thuận an ninh với sự tham gia của các thành viên NATO ở châu Âu.

Theo mô hình này, Nhà Trắng sẽ chấp thuận cho Lầu Năm Góc ưu tiên chuyển giao những vũ khí quan trọng và công nghệ tiên tiến cho chính quyền Kiev nhằm đảm bảo cho quân đội nước này có thể đối phó được với sức mạnh quân sự khổng lồ của Nga và đồng minh Belarus.

Theo tài liệu này, Washington muốn cung cấp cho Kiev một mô hình hợp tác an ninh như đối với đồng minh thân thiết ở Trung Đông là Tel Aviv, bao gồm “các cam kết dài hạn trong 10 năm về lĩnh vực an ninh” và sau đó sẽ tiếp tục được gia hạn hoặc đàm phán lại tùy theo tình hình.

Được biết, Israel không phải là thành viên của NATO và do đó, Mỹ không chịu bất kỳ ràng buộc nào về việc phải hỗ trợ an ninh cho nước này. Nhưng trong thực tế, Israel đã nhận được cái ô bảo đảm an ninh của Mỹ trong vài chục năm qua.

Trong nửa thế kỷ qua, Israel đã có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ với tư cách là đối tác tin cậy nhất của Washington ở Trung Đông, cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Và hiện nay, Mỹ cũng muốn biến Ukraine thành “Israel thứ hai”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này sẽ khó đạt được thành công giống như ở Israel, bởi khác với quốc gia Trung Đông, Ukraine có nền kinh tế kém phát triển, trình độ khoa học công nghệ thấp hơn nhiều, khả năng quân sự cũng yếu hơn so với Israel; hơn nữa, điều kiện địa-chính trị của hai khu vực cũng khác xa nhau.

Theo giới phân tích, thỏa thuận bảo đảm an ninh của Mỹ đối với Israel dựa trên 3 thành tố chính.

Một là: Dùng vào sức mạnh quân sự của mình và các đồng minh để trấn áp các đối thủ của Israel.

Hai là: Sử dụng uy thế để ép buộc các đồng minh của mình và các nước khác không được gây hấn với Israel.

Ba là: Cung cấp vũ khí quan trọng và công nghệ tiến tiến để Israel có ưu thế quân sự vượt trội các nước trong khu vực, mà Thỏa thuận Triển khai Cung cấp An ninh (Security of Supply Arrangement - SOSA) hai nước mới ký kết hồi tháng 4 năm nay chỉ là một phần trong đó.

Chúng ta thử xét trên những lĩnh vực này để xem Mỹ sẽ sử dụng những biện pháp gì để bảo đảm an ninh cho Ukraine và hiệu quả của nó ra sao.

Ukraine và Nga không phải là Israel và Iran

Hiện nay, địch thủ lớn nhất của Israel trong khu vực là Iran, sau đó là Syria và các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn là Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine hay Houthi ở Yemen.

Đây đều là những quốc gia hay nhóm quân sự theo dòng Hồi giáo Shia, đối lập về ý thức hệ với người Do Thái.

Về mặt địa lý, Israel và Iran cách khá xa nhau và do đó, nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp là hầu như không xảy ra, còn Syria hiện nằm dưới sự bảo trợ của Nga, mà Moscow vốn có quan hệ rất tốt với Tel Aviv.

Còn các nhóm vũ trang thân Iran dù ngay ở sát nách Israel nhưng chỉ đủ khả năng quấy phá chứ không phải là đối thủ khiến Tel Aviv lo ngại về mặt quân sự.

Theo chiều ngược lại, với những đồng minh yếu như Syria và Hezbollah, Houthi hay Hamas, Iran không thể không e dè trước lợi thế áp đảo về lực lượng và sức mạnh của Mỹ và các đồng minh Ả rập Sunni trong khu vực.

Do đó, Tehran sẽ buộc phải cân nhắc rất kỹ về những hành động của mình, thậm chí là Iran sẽ hầu như không bao giờ tính đến khả năng tấn công trước vào Israel, trừ khi họ bị dồn vào chân tường.

Do đó, Israel có thể tạm thời loại trừ những nguy cơ lớn về an ninh từ nhóm đối thủ này, mà chưa cần đến sự bảo trợ của Mỹ, nhưng đối với Ukraine thì lại trái ngược, dù Mỹ có mạnh đến đâu và nhiều đồng minh đến đâu cũng không có khả năng kiềm chế hay tác động đến hai địch thủ lớn nhất của Kiev là Moscow và Minsk.

Cả Nga và Belarus đều tôn trọng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ nhưng họ đều không khiếp sợ trước uy thế của Washington và hoàn toàn đủ khả năng phớt lờ những cảnh báo của Mỹ để tấn công vào Ukraine và thực tế đã chứng minh đúng là như vậy.

Về các đối thủ đối lập về ý thức hệ với Israel là các nước Hồi giáo dòng Sunni, đã qua rồi cái thời cả khối Ả rập thù ghét và hợp sức nhau đánh Israel như trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Tất cả các đối thủ cũ của Israel như Saudi Arabia, UAE, Jordan…, nay đều là đồng minh của Washington, chịu sự chi phối của Mỹ về quân sự, kinh tế…, nên Mỹ có thể sử dụng uy thế của mình để buộc các nước này phải dàn hòa với Israel, mà thỏa thuận Ai Cập-Israel từ năm 1979 hay Hiệp định Abraham giữa Israel với UAE năm 2020 là minh chứng điển hình nhất.

Về cam kết giúp Israel duy trì ưu thế quân sự vượt trội, đúng là sức mạnh quân sự của Israel đã trở nên mạnh hơn so với mặt bằng các nước trong khu vực, sau khi được Mỹ viện trợ quân sự, ưu đãi bán các vũ khí tối tân và chuyển giao công nghệ tiến tiến để nước này tự sản xuất vũ khí.

Do đó, trong suốt lịch sử 75 năm lập quốc đến nay, Israel đã giành chiến thắng trong hầu hết các cuộc xung đột tay đôi thậm chí là đẩy lui cuộc tấn công của liên minh 5-7 quốc gia Ả rập Trung Đông.

Nhưng để giành được những chiến thắng đó, không thể phủ nhận nội lực của người Israel. Đất nước Do Thái là một quốc gia có thực lực quân sự mạnh, trình độ công nghệ quân sự cao, đủ khả năng tự chế tạo được những vũ khí hiện đại, quân đội khả năng tác chiến tốt.

Do đó, mặc dù Iran cũng là một cường quốc công nghệ quân sự ở Trung Đông nhưng nếu xảy ra xung đột quân sự, Israel hoàn toàn có thể đối phó được mà không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ.

Trong khi đó, Ukraine lại thua kém Nga về mọi mặt, từ kinh tế đến quân sự. Quân đội Nga có quy mô lớn hơn, giàu kinh nghiệm tác chiến hơn, vũ khí trang bị vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí là về thực lực quân sự thì Moscow có thể đối đầu tất cả khối NATO, ngay cả Mỹ cũng không muốn phải đối đầu trực tiếp với Nga.

Ngoài ra, Mỹ cũng không thể cung cấp những vũ khí hiện đại nhất của mình cho Ukraine, như đã từng cung cấp chiến đấu cơ tàng hình F-35I cho Israel hay các khu trục hạm có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cho những đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Na Uy, vì sợ một ngày nào đó chúng sẽ lọt vào tay Nga.

Xét về mọi mặt, Ukraine không hội tụ đủ những phẩm chất như của Israel và Nga cũng không phải là Iran, nên dù có được Mỹ cung cấp nhiều vũ khí, trang bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến..., thì họ cũng không thể có thực lực tương đương với Nga, chứ đừng nói là vượt trội.

Lời kết:

Đã có nhiều chuyên gia đưa những nhắc nhở về điều quan trọng nhất mà Kiev cần ghi nhớ là địch thủ của mình là quốc gia láng giềng có tiềm lực quân sự mạnh vượt trội so với Ukraine. Không quốc gia nào có thể thay đổi được láng giềng của mình, trong khi một chân lí hiển nhiên là “nước xa không cứu được lửa gần”.

Do đó, không chỉ đối với mô hình kiểu Israel, mà bất cứ bảo đảm an ninh nào theo mô-típ quân sự, có sự hiện diện của bên thứ 3, đặc biệt là từ Mỹ hoặc NATO, cũng sẽ không phù hợp với điều kiện của Ukraine.

Nhiều chính khách và các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, chỉ có Ukraine mới có thể bảo đảm an ninh cho mình, với một chính sách chính trị, ngoại giao, quân sự trung lập, không liên kết, hòa hảo với các nước láng giềng, dung hòa quan hệ giữa Nga với cả Liên minh châu Âu và NATO.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ