Tăng lương tối thiểu vùng - vấn đề là nguồn lực

GD&TĐ - Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các quy định pháp luật hiện hành không ấn định thời điểm điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định các yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Đầu năm nay, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị xem xét thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2021 và các năm sau sẽ áp dụng vào ngày 1/7, thay vì ngày 1/1 như hiện nay nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp vì thời điểm đầu năm có nhiều khoản phải chi...

Ngoài lý do nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn dẫn chứng rằng trên thực tế, mỗi khi tăng lương, giá cả các mặt hàng, dịch vụ cũng đều tăng ít nhiều. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7 vừa hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính vào dịp Tết Nguyên đán, vừa giảm được một lần tăng giá trong năm, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán...

Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo trình Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu vùng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ban, ngành lại đề xuất nên giữ nguyên thời điểm tăng lương tối thiểu là ngày 1/1. Trong điều kiện biến động, việc đề nghị lùi thời gian tăng nên giao cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu, đề xuất...

Bên cạnh đó, phần lớn các nước đều chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với lúc năm tài chính bắt đầu để thuận lợi cho doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Năm tài chính của nước ta cũng bắt đầu từ 1/1 và kết thúc vào 31/12 nên việc lựa chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày đầu năm như hiện hành là hợp lý. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp, người lao động thương lượng để điều chỉnh chính sách lương, thưởng, xác lập điều kiện lao động mới, duy trì ổn định quan hệ lao động.

Do đó, nếu chuyển sang thời điểm 1/7 thì doanh nghiệp, người lao động lại phải thương lượng nhiều lần để thay đổi chính sách, dễ phát sinh bất đồng, ảnh hưởng không tốt đến ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Với những lý do trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng như hiện hành. Nếu có biến động bất thường, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nghiên cứu và có đề xuất cụ thể với Chính phủ...

Cần nhấn mạnh thêm rằng, ngoài việc đề xuất không điều chỉnh thời điểm, trong dự thảo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 bởi những lý do như với dự kiến CPI tăng 4%, mức lương tối thiểu năm 2021 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% gồm vượt theo CPI thực tế năm 2019 là 1,21% và mức bình quân các vùng lương tối thiểu năm 2020 cao hơn mức sống tối thiểu là 0,3%.

Là CPI cả năm 2020 tăng 3,23% nên lương tối thiểu năm 2020 sau khi cập nhật lại đã bảo đảm cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu nên dù giữ nguyên mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng mức sống tối thiểu.

Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28%, về nguyên tắc hội đồng sẽ tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu để xem xét đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022...

Như vậy có thể thấy, vấn đề mấu chốt không phải là thời điểm tăng lương mà là nguồn lực để thực hiện. Ví dụ như trong điều kiện hiện nay, dù có muốn tăng lương tối thiểu vào ngày 1/1 hay 1/7 thì cũng đều rất khó bởi “sức khỏe” của doanh nghiệp không cho phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.