Hài hòa lợi ích

GD&TĐ - Theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cấp học này có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (mọi học sinh đều phải học, tham gia); môn học lựa chọn (môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp); môn học tự chọn (môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng).

Cụ thể, chương trình THPT có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật. Học sinh chọn 5 môn từ 3 nhóm trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học. Ngoài ra, các môn Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học. Ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.

Như vậy, ngay trong Chương trình GDPT 2018, việc xây dựng các tổ hợp môn học đã được lưu ý trên cả 2 vế: “Nhu cầu người học” và “điều kiện về về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”. Việc hài hòa được cả 2 vế này là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ căn cứ theo nguyện vọng của học sinh, nguy cơ “vỡ trận” có thể xảy ra bởi xuất hiện rất nhiều tổ hợp, vượt ngoài khả năng của nhà trường. Ngược lại, nếu chỉ căn cứ trên những gì nhà trường có, mục tiêu phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm cơ hội tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động khó có thể thực hiện được.

Làm sao để có thể hài hòa được cả 2 yếu tố này? Chương trình GDPT 2018 chỉ quy định tổng số tiết/năm học; nhà trường được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của trường phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất và định hướng phát triển. Nhiều cơ sở giáo dục có sáng kiến thực hiện khảo sát nguyện vọng thực tế tại trường THCS có nhiều học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào trường. Từ phân tích kết quả khảo sát và thực tiễn đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng một số mô hình lớp với các tổ hợp tự chọn. Việc công khai tổ hợp các môn học trước khi tuyển sinh, do đó phải là yêu cầu bắt buộc để học sinh biết, lựa chọn. Điều này đã không ít lần được đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Dự báo, năm học 2022 - 2023, tổ hợp các môn học sẽ chủ yếu tập trung theo các khối thi/xét tuyển đại học truyền thống, vì học sinh lớp 9 vẫn theo học theo chương trình 2006. Có thể thấy, hầu hết trường THPT đều quan tâm đến tổ hợp thi/xét tuyển đại học trong tương lai để định hướng xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn; đây cũng là quan tâm của đa số học sinh khi lựa chọn tổ hợp. Cũng dự báo nhiều trường sẽ từng bước điều chỉnh theo các các tổ hợp (cơ bản) thi/xét tuyển của các trường đại học, coi đó là yêu cầu “đầu ra”, đáp ứng nguyện vọng định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Với bất cứ vấn đề gì, lần đầu tiên thực hiện khó tránh khỏi lúng túng. Việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 cũng không ngoại lệ. Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, quyết liệt, để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chương trình mới; việc đồng hành, tư vấn, định hướng để các em chọn được tổ hợp phù hợp (chọn cả tổ hợp, không phải từng môn theo sở thích) là không thể thiếu. Thực hiện điều này cần sự vào cuộc của cả nhà trường và cha mẹ học sinh. Chọn đúng tổ hợp để tập trung học xuyên suốt trong 3 năm THPT là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, giúp các em phát triển được năng lực, sở trường, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn sau THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ