Giải pháp “kiềng ba chân”

GD&TĐ - Gần đây, một số vụ bạo lực xảy ra trong và ngoài nhà trường khiến dư luận bức xúc.

Thực tế cho thấy, vấn đề này không phải bây giờ mới được nhắc tới; thậm chí tình trạng xung đột hay bạo lực học đường cũng xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới.

Nói như vậy, không có nghĩa là bao biện, mà để chúng ta cùng nhìn nhận khách quan và có giải pháp tối ưu, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những câu chuyện buồn xung quanh thực trạng này. 

Với bất kỳ xung đột nào, dù xuất phát từ đâu, “chìa khóa” quan trọng nhất để xử lý là suy nghĩ tích cực theo hướng các bên cùng có lợi. Thế mới nói, khó khăn nào đều có hướng giải quyết, song điều quan trọng là cần tìm ra những yếu tố ẩn sâu bên trong của sự việc; bởi nếu chỉ chú ý đến những lý do hoặc hiện tượng bên ngoài, chúng ta mới giải quyết được “bề nổi” và phần “ngọn” của vấn đề. Như vậy, rất khó để có thể chấm dứt được xung đột. Vì thế, giải pháp hữu hiệu vẫn là xử lý từ gốc, hóa giải ngay từ khi manh nha mầm mống của xung đột.

Trước hết là tăng cường giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh; Xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài ra, cần giáo dục kỹ năng tự bảo vệ thông qua kỷ luật tích cực – “Lạt mềm buộc chặt”, bởi khi chúng ta trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương. 

Giải pháp mang tính tổng thể và có tính chất căn cốt là xây dựng văn hóa học đường, với bộ quy tắc ứng xử, làm kim chỉ nam để thầy – trò điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói của mình mọi lúc, mọi nơi; đặc biệt là trong trường học.

Dù là giải pháp nào đi chăng nữa, yếu tố có tính chất quyết định vẫn là con người, mà ở đó giáo viên và học sinh là chủ thể của mối quan hệ. Trước hết, thầy cô giáo phải gương mẫu trước học trò. Sự thân ái, yêu thương học trò của giáo viên sẽ tạo nên những thế hệ học sinh biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, bạn bè và cộng đồng xã hội. Như vậy, các thầy, cô đã góp phần hóa giải những xung đột – mầm mống của bạo lực học đường. 

Tuy nhiên, nếu chỉ giáo viên, nhà trường thì chưa đủ, mà cần nhấn mạnh đến vai trò của mối quan hệ “kiềng ba chân”: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Bởi chỉ khi giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội mới có thể bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả; trong đó có vấn đề hóa giải những xung đột – nguy cơ dẫn tới bạo lực. 

Theo đó, cần phát huy vai trò nêu gương trong mỗi gia đình. Trước hết, ông bà, bố, mẹ, người lớn cần dành nhiều thời gian hơn để đồng hành, trò chuyện và nắm bắt tâm tư, tình cảm của con cái; đặc biệt duy trì mối liên hệ thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm để phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục các con.

Về phía xã hội, cụ thể là chính quyền địa phương, cần chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, kiểm tra, giám sát công tác giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ