Tương lai của chiến tranh hiện đại đang định hình

GD&TĐ - Mô hình cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay đang được coi là “sự định hình” của một cuộc chiến tranh hiện đại trong tương lai.

Ukraine khó sống trong mấy tháng tới
Ukraine khó sống trong mấy tháng tới

Theo bài viết của hãng tin Mỹ Bloomberg, mô hình của các cuộc chiến tranh hiện đang đang được định hình trong cuộc xung đột ở Ukraine, các hình thái tác chiến của binh sĩ, chiến thuật sử dụng vũ khí và xu hướng phát triển trang bị trong cuộc chiến này đang được giới quân sự của nhiều nước nghiên cứu.

Đầu tiên, phải nói rằng Ukraine vẫn phụ thuộc vào tình báo Hoa Kỳ và hệ thống phòng không đồng minh để đánh chặn tên lửa của Nga, nhưng chính quyền Kiev hiện cũng có khoảng 40% vũ khí phát triển từ công nghệ của chính mình, sản xuất tại trong nước.

Tất nhiên, đây không phải là sản phẩm công nghệ cao theo mô hình phương Tây, nhưng Ukraine đang tích lũy kinh nghiệm trong việc tạo ra các hệ thống mới cho một cuộc chiến tranh trong tương lai và bản thân khái niệm này đang phát triển.

Các nhà phân tích của Bloomberg nhận định rằng, với nguồn lực hạn chế, đây là điều mà phương Tây và thế giới đang học hỏi và ghen tị với Ukraine.

Về cả phía Nga và Ukraine (nhưng chủ yếu là Nga), mô hình kinh tế thời chiến kiểu mới có thể trở thành cơ sở để các quốc gia NATO, đặc biệt là ở châu Âu, có thể học hỏi áp dụng để làm cách nào đó gia tăng sản lượng vũ khí cho thời kỳ nguy hiểm và bất ổn sắp tới.

Bài viết của Bloomberg nêu ví dụ từ việc Ukraine đi đầu trong việc tạo ra các hệ thống không người lái đơn giản nhưng đáng tin cậy và hiệu quả ở mọi loại và cũng có thể tạo ra “nhiều lớp áo giáp tùy chọn”, điều mà sau đó đối thủ Nga cũng đã học hỏi và phát triển bùng nổ số lượng, chất lượng UAV.

Bất chấp việc thiếu đạn pháo và tên lửa phóng loạt, các hệ thống phòng không và hỗ trợ tài chính từ phương Tây, nhưng về mọi mặt khác, có thể nói rằng chính quyền Kiev đã giúp Lực lượng Vũ trang Ukraine thích nghi thành công với các điều kiện khó khăn khi đối đầu với Nga, một đối thủ có sức mạnh vượt trội, thậm chí là đứng top đầu thế giới.

Thật không may cho Ukraine là đối thủ Nga cũng đang trải qua chính quá trình tương tự và liên tục học hỏi, thích nghi và cải thiện hiệu quả các hoạt động tác chiến của mình.

Một nhà quan sát phương Tây của Bloomberg lưu ý rằng, điều đặc biệt là Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng của Nga đã không thụt lùi hoặc đứng yên mà thậm chí là còn phát triển rất mạnh năng lực sản xuất, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Các doanh nghiệp Nga đã tăng sản lượng máy bay không người lái chiến đấu lên gần 17% vào tháng 5 vừa qua. Ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Ukraine cũng có thể nghe thấy tiếng vo ve của đàn máy bay không người lái Nga bay trên bầu trời để hướng đến mục tiêu.

Bloomberg nhận định, cả Moscow và Kiev đều có năng lực huy động chất xám và năng lực sản xuất lưỡng dụng để phục vụ chiến tranh. Về mặt này, 2 bên được đánh giá là tương đương.

Tuy nhiên, hai bên cũng có những mặt mạnh riêng của mình. Nga có kỹ năng trong việc chuẩn hóa sản xuất các sản phẩm quân sự, mở rộng quy mô để sản xuất số lượng lớn thiết bị, trong khi Ukraine dựa vào sự sáng tạo và đổi mới, nhưng quy mô và năng lực sản xuất kém hơn nhiều.

Hãng tin Mỹ kết luận, bất kỳ mô hình nào chiến thắng, nó không chỉ quyết định thắng lợi trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, mà còn quyết định kết quả của cuộc chiến tranh khác trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ