Chỉ chống dịch "ở ngoài"?

GD&TĐ - Trong khu cách ly bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc Covid-19 mọi người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Vậy nhưng, bằng cách này hay cách khác, vẫn có những chuyện tưởng như khó tin nhưng là thật.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Như trong đợt dịch Covid-19 trước, một nhóm thanh niên ở Quảng Bình đã tổ chức tiệc mừng ngay trong khu cách ly để mừng sắp hết thời hạn, về với gia đình. Còn trong đợt dịch này, phó chủ tịch một phường ở Quảng Trị dù thuộc diện F1 nhưng vẫn tổ chức sinh nhật, với sự tham dự của vợ - bệnh nhân Covid-19 số 904.

Sự việc được Trung tâm Y tế TP Đông Hà báo cáo sở y tế với nhiều tình huống khó tin: Vị phó chủ tịch này vào khu cách ly từ ngày 6/8, thuộc diện F1 do có tiếp xúc với 3 trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.

19 giờ 30 phút ngày 15/8, có người biết sinh nhật ông nên mua bánh kem gửi vào khu cách ly. Vị này đã gọi vợ là bệnh nhân số 904 đang được điều trị, cách ly đặc biệt tại Trung tâm sang mừng sinh nhật. Bệnh nhân 904 đến phòng của chồng để chụp ảnh, ghi hình rồi lấy trái cây về phòng. Theo vị phó chủ tịch phường thuật lại thì khi qua phòng cách ly, bệnh nhân 904 chủ động ngồi tránh xa và đeo khẩu trang, chỉ khi chụp hình thì mới tới gần với gia đình...

Cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Trong khu cách ly - không phải chỗ để tiệc tùng, chúc tụng thì phỏng những bữa “tiệc” kiểu như trên có ý nghĩa gì? Có vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng hay không? Vị phó chủ tịch có biết rằng các cơ quan chức năng đang dốc mọi sức lực, tuyệt đại đa số người dân nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng; có bao nhiêu y bác sĩ sẵn sàng gác lại việc riêng xung phong vào “tuyến đầu” chống dịch hay không?

Chắc chắn, những việc này vị phó chủ tịch này biết - không ít thì nhiều. Và với cương vị của mình, vị phó chủ tịch này cũng không thể lấy các lý do kiểu như trình độ hạn chế, nhận thức kém, không biết các quy định về phòng chống dịch...

Và một việc nữa đó là trách nhiệm của Trung tâm Y tế TP Đông Hà chắc chắn cũng không thể vô can. Không thể trong trung tâm của mình mà lại “không thấy, không nghe, không biết”, để rồi sau khi biết sự việc, bác sĩ phụ trách khu cách ly đã trực tiếp vào gặp và yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách đúng quy định, gỡ bài trên mạng xã hội...

Với cương vị lãnh đạo phường, nếu không phải vào khu cách ly thì chắc chắn vị phó chủ tịch phường này cũng phải tham gia phòng chống dịch. Và nếu chủ quan, lơ là, chắc chắn sẽ có hình thức xử lý thích đáng. Hoặc giả dụ đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vị phó chủ tịch phường gặp những tình huống tương tự sẽ xử lý ra sao?

Cần nhắc lại rằng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các địa phương phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ...

Đối với người đã tiếp xúc người bệnh cần cách ly ngay, đồng thời theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ, Bộ Y tế có phương án cụ thể đối với các đối tượng này. Vậy phải chăng vị phó chủ tịch phường này nghĩ chỉ cần chống dịch “ở ngoài” chứ trong khu cách ly thì không cần? 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.