Sưu tập sách - Nghề chơi lắm công phu

GD&TĐ - Thời gian qua, cộng đồng chơi sách ở Việt Nam xôn xao với ấn bản đặc biệt. Theo đó, những cuốn sách được in số lượng giới hạn, được đánh số thứ tự, và được làm thủ công, đóng bìa da (hoặc giả da).

Họa sĩ Thành Chương ký tặng vào một số bản S365 “Người kép già” của nhà văn Kim Lân với 19 minh họa của Thành Chương.
Họa sĩ Thành Chương ký tặng vào một số bản S365 “Người kép già” của nhà văn Kim Lân với 19 minh họa của Thành Chương.

Từ đây, đã định hình một cộng đồng sưu tập sách có nhiều nét riêng so với thế hệ đi trước.

Sự khởi đầu tâm huyết

Thú chơi sách đã có từ lâu, song trải qua thời gian, có những đoạn trầm xuống. Nhưng dường như chưa bao giờ thú chơi sách của người Việt mất đi, mà cứ âm thầm như ngọn nến, bền bỉ cháy giữa tháng ngày.

Song cũng chưa bao giờ, thú chơi sách lại tạo thành một “phong trào” có vẻ ồn ào như trong vài năm qua. Người ta nhận ra sự thay đổi khá căn bản trong thú chơi sách thời nay khi so sánh với thời xưa. Đó là một thế hệ nhà sưu tập, khá đông đảo là những người dưới 40 tuổi.

Họ có thể là những tiến sĩ đang giảng dạy tại một trường đại học nào đó, cũng có thể là kiến trúc sư, nhà văn, nhà báo, hay làm những ngành nghề khác nhưng có chung một tình yêu với sách. Và qua mạng xã hội, họ tụ lại, hình thành những cộng đồng sưu tập, để chia sẻ, bình luận, cùng trao đổi những bản sách quý hiếm.

Nhưng để hình thành một phong trào như ta đang thấy, cũng cần nhắc tới người “mở lối”: Họa sĩ Trần Đại Thắng.

Trần Đại Thắng sinh năm 1973, trước đây từng được biết tới là họa sĩ làm bìa sách uy tín ở Hà Nội. Rồi sau đó, anh rẽ lối, thành lập Công ty sách Đông A chuyên làm những ấn bản sách “đẹp như Tây”. Năm 2014 - 2015, họa sĩ Trần Đại Thắng đã ra mắt dòng sách S100, và hình thành một Câu lạc bộ S100 với nhiều tên tuổi nổi tiếng lúc bấy giờ.

S100 hồi đó là cách để gọi những bản sách đặc biệt (bìa cứng, ruột in trên giấy conqueror), mỗi cuốn có 1 con số riêng (trong bảng số từ 1 đến 100). Những bản sách này ra mắt khiến một số người trầm trồ vì đẹp, và họa sĩ Trần Đại Thắng được đánh giá là người nối lại một thú chơi từ trước năm 1975.

Với phương châm, “ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua”, đầu năm 2020, chuyên gia Dư Thanh Khiêm (Bỉ) về nước tổ chức khóa học dạy đóng sách. Dưới sự hướng dẫn của ông, Đông A đã mở ra một hướng đi mới, và những tựa sách sau đó, như S365 “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”, S100 “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”… đã cho gây kinh ngạc cho giới chơi sách ở Việt Nam.

Từ sự khởi động đầy tâm huyết và quyết tâm ấy, ngay lập tức, đã “kích hoạt” sự nhập cuộc của nhiều đơn vị xuất bản ở Việt Nam.

Nhiều công ty sách tư nhân lẫn các nhà xuất bản có uy tín lập tức nhập làn đua làm ấn bản đặc biệt. Có thể kể tới những cái tên như NXB Kim Đồng, Phụ Nữ; các công ty sách: Nhã Nam, Thái Hà, Đinh Tị, Liên Việt…

Xôn xao những cuộc… đấu giá

Bản S100 “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” được nhiều người săn lùng vì có chữ kỹ trực tiếp của nhà văn.

Bản S100 “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” được nhiều người săn lùng vì có chữ kỹ trực tiếp của nhà văn.

Cũng cần nói thêm một chút về các “khái niệm”: S10, S100, S365, S500 mà dân chơi sách thời nay đang dùng. Những chữ này để chỉ đến số lượng từng cuốn: S10 tức là chỉ có 10 cuốn, S100 chỉ có 100 cuốn.

Cứ như vậy, S365 chỉ có 365 cuốn… Mỗi cuốn đều được đánh số, vì thế, mỗi cuốn là sách trở thành độc bản. Bên cạnh đó, còn xuất hiện khái niệm “bản chữ A”, “bản chữ N”… Nếu cuốn sách đó có chữ ký và triện son của tác giả, dịch giả hay họa sĩ vẽ minh họa thì càng trở nên độc đáo.

Đó là chưa kể, các đơn vị làm sách luôn tìm ra những “chiêu” khác nhau để tăng độ độc đáo của mỗi ấn bản đặc biệt. Nơi thì làm hộp giấy, nơi làm hộp sơn mài, nơi làm hộp giả da sang trọng đặt sách bên trong kèm theo quà tặng…

Cũng chính vì số lượng ít, mà cộng đồng chơi sách trong thời gian qua tăng nhanh đáng kể, nên thường xảy ra tình trạng “cung không đủ cầu”. Từ thực tế này, xuất hiện những nhóm trao đổi, mua bán những ấn bản đặc biệt trên mạng. Thậm chí, một số “sàn đấu giá sách” cũng đã xuất hiện.

Năm qua, giới chơi sách thời 4.0 đã chứng kiến những cuộc đấu giá sách kỷ lục. Như tối 1/7/2021, cuốn sách S100 “Bố già” số 40 do Đông A phát hành năm 2019, nhân 50 năm xuất bản lần đầu tác phẩm “Bố già” của Mario Puzo, chỉ sau 1 giờ, đã được gõ búa với giá 85 triệu đồng. Có người trả giá tới 99 triệu đồng nhưng không được sở hữu vì bỏ giá chậm so với thời gian quy định.

Tương tự như vậy, là cuốn S100 “Anh em nhà Karamazov” cũng được đưa lên đấu giá và giá gõ búa là 23 triệu đồng. Thậm chí, phiên ngày 24/1/2021, bản chữ A cuốn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” đã được gõ búa tới 130 triệu đồng và thuộc về một người chơi sách tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải kỷ lục. Hồi tháng 7/2021, bản chữ A “Bố già” S500 được gõ búa thành công với mức 260 triệu đồng.

Ấn bản chữ A “Bố già” S500 được giới thiệu: Bìa sách được bọc bằng da dê Mysore (Chèvre Mysore) màu đỏ tươi (True red), được thuộc bởi nhà thuộc da Mégisserie Jullien - một trong những xưởng thuộc da dê thủ công bằng thảo mộc cuối cùng còn sót lại tại Pháp.

Sau đó, Đông A tiếp tục xử lý thủ công bằng cách lạng mỏng tấm da, chỉ còn 0,6mm để có độ dày phù hợp bọc bìa đã bồi carton và gỗ MDF khiến cuốn sách không những sang trọng mà còn cứng cáp, bền chắc.

Lan toả tình yêu sách

Đón Xuân Nhâm Dần 2022, cuốn “Sách Tết Nhâm Dần” do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, ngoài các bản phổ thông có in 500 bản giới hạn, bìa cứng, đặt trong hộp sơn mài, đánh số nhảy ST 0001 đến ST 0500. Ngoài bán ở thị trường trong nước, cuốn sách Tết độc đáo này còn có mặt tại 10 quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và Austraila, với mong muốn đem hương vị mùa xuân Việt Nam đến với những người Việt xa xứ.

Thoạt nghe nhiều người sẽ thấy “khó hiểu” vì số tiền mà những nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra để sở hữu một ấn bản đặc biệt là cao, thậm chí rất cao, so với giá bán một cuốn sách phổ thông được bày bán ngoài hiệu sách.

Tuy nhiên, nếu có dịp tiếp xúc hoặc trò chuyện với những nhà sưu tập đương thời, mới thấy, họ có lý do riêng. Khi điều kiện sống của họ cho phép, họ muốn sưu tập những cuốn sách có nội dung tốt, hình thức đẹp để trưng bày và thành lập thư phong riêng cho gia đình.

“Nhiều người có thú vui sưu tập đồng hồ, hay sưu tập rượu để trưng bày trong phòng khách của gia đình. Đó là sở thích đáng tôn trọng của họ. Còn tôi, tôi muốn sưu tập và trưng bày sách. Tôi muốn thông qua việc sưu tập này để lan truyền tình yêu sách nói riêng, văn hóa nói chung cho các con tôi”, N.K - một nhà sưu tập ẩn danh ở Hà Nội nói.

Điều này phần nào cũng lý giải băn khoăn của một số người, khi gần đây thú chơi sách để trưng bày có vẻ rầm rộ. Khi được hỏi về hiện tượng mua sách về để trưng bày, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng từng bày tỏ, “nếu đúng vậy thì tôi thấy mừng hơn lo.

Tặng bạn bè một cuốn sách vẫn có ý nghĩa hơn là tặng một món quà thiên về vật chất. Cũng như trưng một tủ sách trong nhà vẫn tốt hơn là trưng một tủ rượu. Tới chơi nhà ai mà thấy trong nhà họ có một tủ sách là tôi thấy có cảm tình, thậm chí ngưỡng mộ.

Mua sách để trưng, để tặng hay để khoe trên mạng, dù với bất cứ lý do gì cũng là cách quảng bá tuyệt vời cho sách, nhất là trong tình trạng chúng ta vẫn kêu ca là việc đọc đang xuống cấp, đang thui chột”.

Đối với những người sưu tập và chơi sách ấn bản đặc biệt, bao giờ họ cũng mua thêm ấn bản phổ thông để đọc. Thi thoảng, họ mở những ấn bản đặc biệt ra để ngắm nghía các họa tiết, các minh họa và thủ bút của tác giả, dịch giả hay họa sĩ. Nó như một cái thú mà nếu ngoài cuộc, ít ai có thể chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ