Lan tỏa tình yêu sách

GD&TĐ - Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa Đọc Thủ đô năm học 2017 - 2018” đã chính thức khép lại, nhưng những nhiệm vụ của Đại sứ Văn hóa Đọc giờ đây mới chỉ chính thức bắt đầu. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo sẽ được triển khai và tạo những ảnh hưởng cho sự phát triển văn hóa đọc trong cuộc sống thực.

Lan tỏa tình yêu sách

Những ý tưởng sáng tạo

Vượt qua gần 60.000 bài dự thi được gửi về từ khắp các trường tiểu học và trung học cơ sở trong thành phố Hà Nội, 28 HS có bài thi và phần trình bày xuất sắc nhất cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh sẽ được nhận danh hiệu Đại sứ Văn hóa Đọc Thủ đô năm học 2017 - 2018.

Trong số này, có 4 HS tiêu biểu nhất ở cả hai cấp học bao gồm Phan Nguyễn Lan Chi (lớp 5C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm), Tạ Thu An (lớp 9A10, Trường THCS Đống Đa) và hai HS đạt giải tiêu biểu với bài thi bằng tiếng Anh là Đặng Anh Kiệt (lớp 3A1, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu) và Phạm Bảo Thu (lớp 7C1, Trường THCS Đoàn Thị Điểm) đạt danh hiệu “Đại sứ Văn hóa Đọc tiêu biểu Thủ đô năm học 2017 - 2018”.

24 danh hiệu “Đại sứ Văn hóa Đọc Thủ đô năm học 2017 - 2018” còn lại được chia đều cho 4 hạng mục bao gồm: Nhóm có ý tưởng sáng tạo trong hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, nhóm có cảm nhận hay về cuốn sách yêu thích nhất, nhóm có ý tưởng giàu tính khả thi nhất và nhóm có bài dự thi trình bày sáng tạo nhất.

Đại sứ Văn hóa Đọc tiêu biểu Thủ đô Phạm Bảo Thu, (lớp 7C1, Trường THCS Đoàn Thị Điểm) khẳng định: “Sách cho chúng ta nguồn tri thức vô tận và đáp ứng mọi nhu cầu tìm hiểu, giải trí của mỗi người. Ai không thích đọc sách là do họ chưa được tiếp cận với cuốn sách phù hợp”.

Tự tin về khả năng viết lách của mình, Đại sứ Văn hóa Đọc Tạ Thu An (lớp 9A0, Trường THCS Đống Đa) cho biết sẽ điểm những cuốn sách hay, viết nhận xét thật hấp dẫn về những cuốn đã đọc để đưa lên mạng xã hội, giúp nhiều người biết. Đồng thời Thu An cũng đề xuất mở câu lạc bộ đọc sách tại các trường học và tổ chức kỳ thi tác giả, dịch giả trẻ để phát hiện tài năng văn chương. Việt Nam có nhiều khu dân cư, nên thành lập nhà sách công cộng, để chúng ta kết nối mọi người với nhau.

Đại sứ Văn hóa Đọc tiêu biểu Thủ đô Phan Nguyễn Lan Chi (lớp 5C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) lại muốn thành lập một nhóm để quyên góp sách tặng các bạn nhỏ ở vùng xa.

Những hạt nhân trẻ đầy tiềm năng

Chững chạc trong lối viết, sâu sắc trong suy nghĩ và hồn nhiên trong cảm nhận, bất cứ ai tiếp xúc với những “Đại sứ Văn hóa Đọc” của Thủ đô năm học 2017 - 2018 đều không khỏi ngạc nhiên và tự hào, bởi chúng ta đang có những hạt nhân trẻ đầy tiềm năng, giúp lan tỏa tình yêu sách.

Là một trong những thí sinh đoạt giải ý tưởng sáng tạo trong hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, em Trần Đức Thắng, học sinh lớp 9A Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: “Nếu trở thành Đại sứ Văn hóa Đọc, em sẽ thành lập các CLB đọc sách, sân khấu hóa các hình thức giới thiệu sách, kể về câu chuyện xảy ra trong cuốn sách và khơi gợi tình yêu sách trong các bạn đọc”.

Mong muốn lan tỏa tình yêu sách, em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Nghĩa Tân cho biết, nếu trở thành Đại sứ Văn hóa Đọc, em sẽ xây dựng cộng đồng đọc sách, từ những nơi gần gũi với em nhất như lớp học trường học. Với lớp học, em sẽ xin phép cô giáo chủ nhiệm đặt tủ sách “Sẻ chia”, em là người đầu tiên đặt cuốn sách của mình trên giá đó.

Điều kiện để các bạn có thể mượn cuốn sách đó là “đặt một cuốn sách chưa có trên danh mục, thay thế cuốn sách mà bạn đã lấy đi”. Cứ như vậy tủ sách sẽ có thêm nhiều đầu sách hay và sách mới. Khi tủ sách đã đi vào hoạt động, có hiệu quả, em sẽ xin phép nhà trường đặt một tủ sách như vậy tại thư viện nhà trường. Minh Anh hi vọng điều này được nhân rộng với nhiều lớp, nhiều trường.

Đồng hành cùng các Đại sứ Văn hóa Đọc Thủ đô, nhiều trường học xây dựng chương trình hành động thiết thực để tạo điều kiện phát triển văn hóa đọc.

Cô Phạm Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho hay: “Mỗi giáo viên là một tấm gương đọc sách, đồng hành với học sinh. Họ sẽ hướng dẫn các em mở thư viện nhỏ trong lớp. Mỗi học sinh đều có bảng theo dõi đọc sách, mục tiêu đọc sách hằng tháng và đến mỗi kỳ sinh hoạt lớp, các em sẽ cùng nói về điều thú vị trong những cuốn sách. Nhà trường thường xuyên mở ngày hội đổi sách để học sinh có thêm nhiều cuốn sách thú vị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ