Những “tay mơ” trong thị trường sưu tập nghệ thuật

GD&TĐ - Việt Nam không thiếu các nhà sưu tập nghệ thuật, thế nhưng để tham gia vào thị trường nội địa thì lại thiếu thành phần quan trọng nhất là các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

Thị trường nghệ thuật nội địa đã và đang hình thành một số nhà đấu giá.
Thị trường nghệ thuật nội địa đã và đang hình thành một số nhà đấu giá.

Trong suốt vài thập kỷ, người nước ngoài hoặc giới Việt kiều có điều kiện, nắm bắt cơ hội đã thâu tóm được lượng lớn tác phẩm mỹ thuật giá trị mang ra nước ngoài. Trong khi đó, các nhà sưu tập nội địa vẫn loay hoay trong “ao làng”, thiếu sự kết nối và trao đổi với bên ngoài.

Thêm vào đó, giới nghiên cứu và giám tuyển chuyên nghiệp có nhiều hạn chế nên việc quản lý, lưu ký, bảo trì bộ sưu tập và tác phẩm còn sơ sài khiến thị trường sưu tập rất thiếu chuyên nghiệp.

Nghịch lý thị trường nghệ thuật

Theo họa sĩ Thành Chương, thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu. Thị trường là cơ sở hạ tầng để nuôi dưỡng và thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Trong khi đó ở nước ta thì chỉ mới đang cố gắng để có thị trường.

Mới đây, Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê đưa ra nhận định, chúng ta hay thảo luận rất nhiều về phía cung, mà sao nhãng phía cầu – cũng do tính chất của những nhà sưu tập nội địa vốn thích riêng tư nên dữ liệu và thông tin nghiên cứu rất hạn chế.

Cùng với đó, Việt Nam trải qua chiến tranh liên miên, thiếu hụt giáo dục nghệ thuật căn bản, dẫn tới các vấn đề nổi cộm xuyên suốt nhiều thập kỷ.

Nhiều nhà sưu tập nội địa tự biến mình thành nhà môi giới – đây không phải là điều xấu – nhưng do hạn chế kiến thức và đạo đức ở một số cá nhân, dẫn tới nạn làm và bán tranh giả. Họ lợi dụng tính chất bất đối xứng thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín toàn bộ thị trường nội địa.

Giới sưu tập trong nước còn đang tập trung chủ yếu vào thị trường hiện đại, rất ít người kết nối với mảng đương đại. Hệ quả hầu hết các nghệ sĩ đương đại đều gặp khó khăn tài chính, chịu phụ thuộc vào khoản tài trợ từ các quỹ ngoại - vốn ưu tiên những ai thạo tiếng Anh, có điều kiện tiếp cận.

“Các lý do dẫn tới sự phân lập trong thị trường nội địa khiến mảng hiện đại thì sức mua lớn nhưng người mua ít, thiếu chuyên nghiệp và chịu nhiều nghi vấn. Trong khi mảng đương đại gần như bỏ ngỏ, giới thực hành còn loay hoay, chưa có cách kết nối được tới nhà sưu tập và mở rộng ra là đông đảo công chúng trong nước”, Giám tuyển Ace Lê cho biết.

Tuy vậy, Giám tuyển Ace Lê có niềm tin rất lớn vào việc chấn hưng nghệ thuật nội địa. Vấn đề quan trọng nhất nằm ở mắt xích bên cầu, Việt Nam cần một thế hệ nhà sưu tập nội địa mới để tạo ra nguồn tài chính ổn định và bền vững cho cộng đồng tự vận hành. Có trao đổi kiến thức trong cộng đồng, thì giá trị văn hóa của tác phẩm mới tăng, dẫn đến giá trị tài chính của tác phẩm tăng theo.

Theo giới nghiên cứu, thế hệ nhà sưu tập mới có thể là những nhà sưu tập hiện tại, nay mạnh dạn “lấn sân” sang mảng đương đại. Họ có thể là những nhà sưu tập đương đại hiện tại, nhưng ngày càng trau dồi chiến lược, cách quản lý và quảng bá cho thật chuyên nghiệp, sánh vai với các bộ sưu tập tư nhân quốc tế.

Họ có thể là lứa trí thức du học sinh 8X, 9X nay đã về nước, có điều kiện và sẵn sàng dành 5 - 10% danh mục tài sản vào nghệ thuật. Họ lại cũng có thể là giới kinh doanh, viên chức, trung lưu có đủ khả năng tài chính và sự tôn trọng thẩm mỹ để sở hữu một số lượng khiêm tốn các tác phẩm nghệ thuật tử tế, thay vì tiếp tục ủng hộ văn hóa treo tranh chép, tranh nhái, tranh decor. 

Nhà sưu tập Quỳnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ) - chủ sở hữu bộ sưu tập của The Nguyen Art Foundation. Ảnh: Ace Lê.

Nhà sưu tập Quỳnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ) - chủ sở hữu bộ sưu tập của The Nguyen Art Foundation. Ảnh: Ace Lê.

Cơ hội sưu tập

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay, ở Việt Nam ngoài các nhà sưu tập thì gần đây xuất hiện các tổ chức, kể cả cơ quan Nhà nước cũng mua tranh. Tuy nhiên, thị trường hiện thiếu thành phần quan trọng là nhà đầu tư nghệ thuật người Việt.

Nhiều tác phẩm hội họa được giới sưu tập nước ngoài hoặc Việt kiều thâu tóm – bức “Vỡ mộng” 1932 của Tô Ngọc Vân thuộc bộ sưu tập của một Việt kiều Mỹ.

Nhiều tác phẩm hội họa được giới sưu tập nước ngoài hoặc Việt kiều thâu tóm – bức “Vỡ mộng” 1932 của Tô Ngọc Vân thuộc bộ sưu tập của một Việt kiều Mỹ.

“Việc chuyên nghiệp hóa thị trường sưu tập là một quá trình dài và cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Nhìn vào những vận động kinh tế - chính trị - xã hội đang diễn ra tại Việt Nam và trong khu vực, tôi tin rằng, đây là thập kỷ tốt nhất để bắt đầu công việc”. Giám tuyển Ace Lê

Nhiều gallery ở Hà Nội và TPHCM cho biết, đa số khách mua tranh vẫn là người nước ngoài. Rất ít người Việt tham gia mua bán, hoặc nếu có thì họ sẽ mua sau khi mặc cả bớt giá đến mức tối đa như mớ rau, con cá.

Họa sĩ Thành Chương lại chỉ ra yếu huyệt là Việt Nam hay đề cao, thần thánh hóa các tác phẩm nghệ thuật, mà không quy định đó là hàng hóa. Bởi vậy, khi xảy ra tranh giả, tranh nhái thì không có chế tài đủ mạnh, không thể tiến hành thiêu hủy. Từ đó, không xử lý được tận gốc vấn đề, nên từ năm này tới năm khác vẫn chưa dẹp được nạn tranh giả.

Thị trường mỹ thuật Việt Nam dù đang ở giai đoạn đầu tiên, song cho thấy nhiều điều cần điểu chỉnh để hướng tới chuyên nghiệp hóa. Giám tuyển Ace Lê cho rằng, nhà sưu tập cần xác định rõ tham gia vào thị trường vì mục đích gì, đầu tư lâu dài hay có một sứ mệnh nào đó?

Thứ hai, khung sưu tập là gì? Khung có thể là giai đoạn (Đông Dương/kháng chiến/đương đại), phương tiện (hội họa/điêu khắc/video/đa phương tiện), địa lý (Việt Nam/khu vực/quốc tế) hay tác giả (một hay nhiều nghệ sĩ cụ thể).

Thứ ba, có kế hoạch tài chính cho bộ sưu tập, bao gồm quỹ tiền mua tác phẩm, chi phí vận hành, bảo quản, phục chế và dự định bán tác phẩm nếu cần.

Nhà sưu tập nổi tiếng người Indonesia là Oei Hong Djien chia sẻ rằng, quan trọng nhất với người sưu tập là kỷ luật – không được phép tiêu tiền quá mức cho phép. Và đến một lúc nào đó khi trong nhà không còn chỗ chứa tác phẩm, phải quyết định bước tiếp theo là gì: Bán bớt để rút gọn hay tiếp tục mở rộng.

Thứ tư, cần có quy trình lưu trữ thông tin bộ sưu tập. Điều này rất cần thiết và nên làm ngay từ đầu, hoặc càng sớm càng tốt. Thứ năm, có kế hoạch chia sẻ bộ sưu tập. Điều này cần chiến lược và cũng là cách để họ thẩm định chất lượng bộ sưu tập.

Cuối cùng là quảng bá bộ sưu tập hiệu quả để tạo hình ảnh chuyên nghiệp, với đầy đủ thông tin về sứ mệnh, khung sưu tập, tác phẩm tác giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ