Sudan đối mặt với 'thảm họa thế hệ'

GD&TĐ - Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, các gia đình tại Sudan buộc phải để con mình nghỉ học.

Trẻ em trong một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan.
Trẻ em trong một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan.

Khủng hoảng chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột sắc tộc tái diễn và việc đóng cửa trường học kéo dài trong đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng giáo dục tại Sudan này.

Gián đoạn học tập nghiêm trọng

Năm học mới bắt đầu ở Sudan, song, Zahra Hussein (9 tuổi) vẫn ở nhà phụ giúp cha mẹ. Bởi, em phải bỏ học khi tình hình tài chính của gia đình ngày càng eo hẹp. Zahra hiện là một trong số gần bảy triệu trẻ em ở Sudan không còn được đến trường.

Zahra nghỉ học một năm trước, khi đang là học sinh lớp Ba tại một ngôi trường cũ nát với các phòng học có những bức tường nứt, bàn hỏng và nhà vệ sinh thiếu nước. Thời điểm đó, Zahra vẫn đi học đều đặn, vượt qua các kỳ thi và thậm chí là nằm trong tốp của lớp.

“Học lực của em xếp thứ ba trong lớp. Tuy nhiên, cha em không còn đủ tài chính. Vì vậy, em đã phải nghỉ học”, nữ sinh chia sẻ tại nhà riêng ở làng Ed Moussa thuộc bang Kassala, miền Đông Sudan.

Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị, hạn hán, đói kém và xung đột. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người lớn biết chữ tại quốc gia này chỉ là khoảng 60%. Trẻ em Sudan đã phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nền giáo dục thích hợp, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Trước điều kiện sống ngày càng tồi tệ, hàng trăm giáo viên đã liên tục đình công. Bên cạnh tình hình bất ổn chính trị và kinh tế, thảm họa lũ lụt kinh hoàng năm nay đã làm hư hại hơn 600 trường học. Điều đó khiến thời gian khai giảng năm học phải lùi từ tháng 7 - 10.

Các tổ chức viện trợ cảnh báo, gần như mọi trẻ em trong độ tuổi đi học ở Sudan đều không được tới trường. Trẻ em tại quốc gia này đang đối mặt với tình trạng gián đoạn học tập nghiêm trọng. Vừa qua, các trường học ở một số bang đã mở cửa trở lại sau khi tạm dừng hoạt động do lũ lụt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hàng triệu trẻ em vẫn chưa thể đi học. Điều đó khiến đất nước phải đối mặt với một “thảm họa thế hệ”. Nghèo đói, thiếu giáo viên có trình độ, tình trạng đình công của các nhà giáo, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng thấp là những yếu tố góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng.

1/3 trẻ em không được đến trường

Một trường học ở làng Hamada Nam Darfur.

Một trường học ở làng Hamada Nam Darfur.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng trước của UNICEF và Tổ chức Cứu trợ trẻ em, trẻ em gái là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Cụ thể, các bé gái tại Sudan có xu hướng kết hôn sớm hoặc nghỉ học để làm việc nhà. Theo ước tính, có khoảng 4/10 nữ sinh đã bỏ học ở Sudan. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nam sinh là 3/10. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động nào được thực hiện, Sudan có thể chứng kiến tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng trầm trọng hơn.

Bộ Giáo dục Sudan cho biết, lũ lụt và các cuộc tấn công của dân quân đã phá hủy hơn 600 trường học trong tháng 8 và tháng 9. Trường học tại quốc gia này hiện chỉ là lớp vỏ của các tòa nhà, không đồ đạc, nước sinh hoạt hay nhà vệ sinh.

Theo một tuyên bố chung của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em, có gần 7 triệu trẻ em Sudan trong độ tuổi từ 6 đến 18 không được đến trường. Đây là mức tương đương với 1/3 tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học ở Sudan.

Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là trung tâm Darfur. Tại đây, có 63% trẻ em không đến trường. Ở Tây Darfur, con số này là 58%. Số trẻ em không đến trường ở phía Đông bang Kassala là 56%.

Tuyên bố từ UNICEF và Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, quá trình giáo dục của 12 triệu trẻ em sẽ bị gián đoạn nặng nề do thiếu giáo viên, cơ sở hạ tầng và môi trường học tập thuận lợi. Trong khi đó, đây là những yếu tố cần thiết để giúp trẻ phát huy hết tiềm năng.

Hầu hết, những trẻ đang học tại lớp đều bị tụt hậu về kiến thức. Theo UNICEF, có 70% học sinh 10 tuổi tại Sudan không thể đọc một câu đơn giản. Ông Owen Watkins - Giám đốc truyền thông của UNICEF tại Sudan - cho biết: “Đó là một thảm họa mang tính thế hệ. Trẻ em luôn là tương lai của đất nước. Đầu tư vào trẻ là điều nên làm. Trẻ sẽ đóng góp rất lớn vào GDP trong tương lai của đất nước. Trẻ em đến trường không chỉ học toán, đọc và viết. Các em cũng học các kỹ năng xã hội trong một môi trường được bảo vệ”.

Ahmed el-Safi - một giáo viên và là cựu hiệu trưởng trường học ở Um-Oshar, vùng ngoại ô phía Nam của Khartoum - cho biết, trên con phố có 20 ngôi nhà nơi ông sinh sống, mỗi hộ gia đình có từ ba đến bốn trẻ em không đi học.

Lý do đơn giản là những trẻ này không thể đến trường vì gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn. Nhiều trẻ em thậm chí phải đi chợ để bán túi ni lông hoặc bất cứ thứ gì để tự nuôi sống bản thân.

“Mặc dù đã là giáo viên và hiệu trưởng trường học tại một thời điểm trong đời, tôi phát hiện ra rằng, con trai mình từng nghỉ học để đi bán vé tại một rạp chiếu phim ở Omdurman. Khi tôi hỏi, thằng bé nói với tôi rằng, nó không thể đi học trong khi thiếu một số thứ cần thiết trong cuộc sống. Thực tế, lương của chúng tôi rất ít. Là giáo viên, đôi lúc, chúng tôi không thể đủ khả năng để nuôi con”, ông el-Safi chia sẻ.

Cũng theo nam giáo viên này, gia đình ông không thể trang trải cho ba người con đi học đại học. Vì vậy, hai con lớn của ông học hết trung học phổ thông và đi làm để hỗ trợ tài chính cho em trai vào đại học. Mặc dù theo học ngành truyền thông, nhưng con trai út của ông el-Safi chưa xin được việc làm.

Cuối cùng, cậu quyết định trở thành một công nhân xây dựng. Trong khi đó, công việc này không yêu cầu bất kỳ kỹ năng truyền thông nào. “Có nhiều học sinh dù đến trường nhưng cũng không học được gì vì lớp quá đông. Thậm chí, một lớp có thể bao gồm 140 học sinh. Làm thế nào để một giáo viên có thể thực hiện công việc của mình trong môi trường đó?”, ông el-Safi bày tỏ.

Trong khi đó, ông Mahmoud Ishag (55 tuổi) - một giáo viên và là người cha có con trai qua đời trong thảm họa lũ lụt - chia sẻ: “Tất cả các phòng học đều bị sập trong lũ. Ngay cả nhà của chúng tôi cũng bị sập. Hiện tại, chúng tôi sống trong lều”.

Ông Ishag cho biết, người dân trong làng đều chuyển nghề. Học sinh trở thành người bán hàng ở chợ và các giáo viên cũng vậy. “Bây giờ tôi bán hành tây ngoài chợ thay vì dạy học. Một số học sinh đã giúp tôi, nhưng đa số là con gái nên không đi làm được”, ông Ishag nói.

Hệ thống giáo dục mong manh

Các gia đình tại Sudan đang gặp khó khăn về kinh tế nghiêm trọng.

Các gia đình tại Sudan đang gặp khó khăn về kinh tế nghiêm trọng.

Sudan được coi là quốc gia tồi tệ thứ hai, sau Afghanistan, về Chỉ số Giáo dục Rủi ro năm 2022. Đây là bảng xếp hạng 100 quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương trong hệ thống trường học.

Arshad Malik - Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Sudan - cho biết: “Hệ thống giáo dục ở Sudan rất mong manh và bị tê liệt với nhiều yếu tố tiềm ẩn, từ cơ sở hạ tầng yếu kém đến chất lượng giáo dục. Trong số 12,4 triệu trẻ em đang đi học, bảy trong số mười trẻ 10 tuổi không thể đọc và hiểu một câu đơn giản”.

Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ như Zahra, hệ thống trường học tồi tàn của Sudan vẫn mở ra một con đường để vươn lên trong cuộc sống. “Em sẽ quay lại trường học ngay lập tức nếu gia đình có tiền để mua thực phẩm hoặc sách”, em Zahra chia sẻ.

Trong bối cảnh này, các trường học ở một số vùng nông thôn Sudan đã cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh. Nhờ đó, tạo động lực để các gia đình khó khăn gửi con tới trường. Đối với nhiều người, bữa ăn ở trường - bao gồm đậu lăng, rau và bánh quy - thường là những thực phẩm duy nhất mà trẻ nhận được trong ngày.

Sudan đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực khiến 15 triệu người - khoảng 1/3 dân số - phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng”. Abdalla Ibrahim - chủ một cửa hàng cà phê ở Golsa - chia sẻ, một vài trong số bảy người con của ông hiện cũng làm việc tại đây hoặc một tiệm bánh.

Trong khi đó, Ohaj Soliman - một lao động 43 tuổi - cho biết: “Việc để bọn trẻ đi làm là không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải làm vậy”. Các phụ huynh để con nghỉ học đang chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn.

Một giáo viên tại Sudan - Mohamed Taha cho biết, tại ngôi làng Wad Sharifai, các trường học đã ngừng cung cấp bữa ăn từ hai năm trước. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi học.

Trong khi đó, ông Othman Abubakr - một người lao động có 9 con - cho biết không còn đủ khả năng trang trải chi phí mua thực phẩm và đồ dùng học tập cho tất cả các con. Do hoàn cảnh khó khăn, hiện, ông Abubakr chỉ cho hai con của mình đến trường.

“Nếu trẻ vẫn được hỗ trợ bữa ăn miễn phí ở trường, thì điều đó có thể giúp chúng tôi phần nào. Tôi biết đó là thảm họa lớn nhất khi để trẻ em nghỉ học. Tuy nhiên, chúng tôi không còn cách nào khác. Bây giờ, bọn trẻ có thể giúp mang tiền về nhà”, ông Abubakr nói.

Theo The Guardian; UK yahoo news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ