Hàng triệu trẻ em Sudan nghỉ học vì lũ lụt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các tổ chức viện trợ quốc tế cảnh báo, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học tại Sudan không được đến trường hoặc phải bỏ học giữa chừng do lũ lụt.

Một lớp học tại làng Hamada, phía Nam Darfur, thiếu cơ sở vật chất.
Một lớp học tại làng Hamada, phía Nam Darfur, thiếu cơ sở vật chất.

Vào tháng 8, những trận mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quốc gia Bắc Phi Sudan và khiến hàng triệu học sinh phổ thông phải nghỉ học.

Sau gần 2 tháng, một số trường đã mở cửa trở lại trong tuần này nhưng học sinh vẫn chưa đến lớp. Tình trạng học sinh Sudan nghỉ học kéo dài có thể khiến Sudan đối mặt với “thảm họa thế hệ”.

Bộ Giáo dục Sudan thống kê, lũ lụt và bạo loạn đã phá hủy hơn 600 trường học trong tháng 8 và 9.

Thầy giáo Mahmoud Ishag, 55 tuổi, chia sẻ: “Tất cả các lớp học đều bị sập trong lũ, ngay cả nhà của người dân cũng bị sập. Các gia đình phải ở trong những túp lều dựng tạm. Cả làng đều chuyển nghề. Học sinh lẫn giáo viên đều đi bán hàng ngoài chợ thay vì đến trường”.

Đói nghèo, thiếu giáo viên có trình độ, giáo viên đình công, hậu quả của Covid-19 và tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp cũng là những yếu tố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Trước lũ lụt, hầu hết các cơ sở giáo dục đều thiếu cơ sở vật chất, nước sinh hoạt và nhà vệ sinh.

Ông Ahmed el-Safi, giáo viên một trường học ở ngoại ô thủ đô Khartoum, cho biết, trên khu phố nhà ông, mỗi nhà có 3 - 4 đứa trẻ nghỉ học. Các em không thể đến trường vì bị đói.

Ông Ahmed có 4 người con nhưng chỉ một người học đại học và nhận bằng cử nhân truyền thông. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, người con này không tìm việc làm đúng lĩnh vực mà trở thành công nhân xây dựng vì công việc này không đòi hỏi kỹ năng.

Theo ông Ahmed, từ bậc phổ thông, học sinh Sudan đã không thể trau dồi những kỹ năng cần thiết cho tương lai do lớp học quá đông. Một lớp có thể có tới 140 em. Giáo viên cũng không thể quan tâm, hỗ trợ học sinh trong bối cảnh như vậy.

Theo tuyên bố chung giữa Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), gần 7 triệu trẻ em Sudan trong độ tuổi từ 6 đến 18, chiếm 1/3 học sinh trong độ tuổi đi học, không được đến trường.

Bang Darfur là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ 63% trẻ em không đi học. Ở bang Tây Darfur và bang Kassala con số lần lượt là 58% và 56%.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế thông tin 12 triệu trẻ em nước này phải đối mặt với tình trạng gián đoạn học tập gây ra bởi thiếu giáo viên, cơ sở hạ tầng và môi trường học tập thuận lợi.

Hầu hết học sinh Sudan hiện nay bị tụt hậu trong học tập so với bạn bè quốc tế. Ước tính, 79% học sinh 10 tuổi ở nước này không thể đọc một câu đơn giản.

Giám đốc Truyền thông của UNICEF tại Sudan, Owen Watkins, cho biết: “Đây là một thảm họa mang tính thế hệ. Trẻ em là tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là điều chính phủ nên làm và trẻ em sẽ đóng góp rất lớn cho GDP của đất nước trong tương lai”.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.