Sức sống nông thôn mới

GD&TĐ - Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu tháng 6/2010, tại Quyết định số 800/QĐ-TTg. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, ngay từ khi Chương trình có hiệu lực, tỉnh Trà Vinh đã tập trung các nguồn lực tốt nhất để thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. 

Sức sống nông thôn mới

Riêng về nguồn vốn, hiện Trà Vinh đã huy động được 5.971 tỉ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó đã tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… Để có kết quả này, cả hệ thống chính quyền đã dựa vào sức dân, xem đó là tiền đề cho mọi sự phát triển.

Vùng nông thôn khởi sắc

“Nông thôn mới chỉ thực sự hiệu quả khi mang lại đời sống ấm no cho người dân, chúng ta phải dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo chính”, đó là chia sẻ tâm huyết của ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Trà Vinh đã huy động được 5.971 tỉ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… Đặc biệt là đầu tư phát triển các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 14,36/19 tiêu chí với trên 136.000 hộ được xét và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có được thành quả trên là nhờ hệ thống chính quyền đã biết dựa vào sức dân, xem đó là tiền đề cho mọi sự phát triển. Tính trong khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động đóng góp từ nhân dân là trên 838 tỉ đồng, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Con số này đặc biệt có ý nghĩa, nếu biết rằng Trà Vinh là một tỉnh nghèo khó, đời sống bà con còn rất khó khăn….

Tỉnh có đến 30% dân số là đồng bào Khmer, chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả. Việc vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới đã giúp đồng bào Khmer tiếp cận với các phương pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều hộ đã thực sự thoát nghèo, vươn lên làm giàu và giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế.

Điểm thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh là sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của người dân. Do đó, công tác xã hội hóa nguồn vốn thực hiện các tiêu chí khá tốt, người dân đồng thuận góp sức, góp của cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, ngay từ khi bắt đầu, cả hệ thống chính trị đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia. Bởi “dân là gốc”, một khi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, có sự nhất trí cao, cùng tham gia mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng lòng cùng chính quyền

Ông Thạch Ua (61 tuổi, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) đã hai lần hiến đất xây trường học cho địa phương dù cuộc sống gia đình ông còn rất chật vật. Ông Ua kể: Địa phương này có 90% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm 1990, học sinh ở ấp 4 phải lội bộ hơn 4 km để đến trường, những lúc trời mưa gió, nhiều em phải tự bơi xuồng đến lớp.

Thấy con em trong phum sóc đi học vất vả quá, ông Ua bàn với địa phương cho mượn mảnh đất để cất một phòng bằng tre lá cho các cháu trong xóm học tiểu học. Vì phòng học tạm bợ, chỉ được vài năm thì xuống cấp, mưa dột, nắng chiếu. Thấy vậy nên năm 1995, ông Thạch Ua bàn với gia đình hiến luôn 1.000m2 đất để xây 2 phòng học kiên cố và thành lập Trường Tiểu học Phong Phú B (điểm Thơm Rơm).

Không dừng lại ở đó, sau khi hiến 1.000m2 đất lập điểm trường tiểu học, ông Thạch Ua trăn trở vì địa phương chưa có trường mẫu giáo. Con em muốn đi học phải lặn lội ra tận trung tâm xã, trong khi đường đi rất khó khăn, nhiều cháu đến tuổi đi học phải ở nhà cho ông bà trông nom vì không có điều kiện.

Thấy vậy ông bàn với gia đình cho mượn căn nhà của mình để làm điểm giữ trẻ. Đến năm 2012, ông lại hiến tiếp 500m2 đất để xây trường mẫu giáo cho các cháu nhỏ ở địa phương. Nhờ ông Ua mà hiện điểm vùng sâu ấp 4 có 2 phòng học tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 và 1 phòng làm điểm giữ trẻ cho các cháu là con em của đồng bào dân tộc Khmer.

Cũng theo ông Thạch Ua: “Mảnh đất hiến xây trường có giá vài trăm triệu đồng nhưng gia đình không hề tính toán. Thấy ngôi trường khang trang, các cháu học sinh đi học hết vất vả thì mọi người vui hơn gấp nhiều lần”. Mới đây, khi con đường giao thông nông thôn đi ngang nhà, ông Thạch Ua cũng hiến đất làm đường. Không chỉ góp sức chăm lo việc học, gia đình ông Ua còn góp phần chăm lo phúc lợi cho bà con ở địa phương.

Từ tấm lòng thơm thảo đó, bà con dân tộc Khmer ở địa phương ai cũng noi theo, mọi người quý trọng và chăm lo việc học cho con em hơn trước. Nhờ đó mà tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở địa phương được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể. Việc làm của ông Ua đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết: Việc khơi dậy nguồn lực trong dân là một điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua. Những con số đóng góp từ nhân dân là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Do vậy, xây dựng nông thôn mới phải lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích cơ bản. Bên cạnh đó phải xác định chăm lo đời sống người dân là vấn đề lâu dài, xuyên suốt.

Theo ông Lâm: “Xây dựng nông thôn mới phải lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục đích cơ bản. Bên cạnh đó phải xác định chăm lo đời sống người dân là vấn đề lâu dài, xuyên suốt. Không thể có chuyện hôm nay ăn mừng vì được công nhận xã nông thôn mới, rồi sau đó quên lãng người dân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.