Sức mạnh của một ngành công nghiệp trẻ

Sức mạnh của một ngành công nghiệp trẻ
 

(GD&TĐ) - Từ khởi điểm với các nguồn khí đồng hành phải đốt bỏ, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành “Quốc gia Khí” trên bản đồ thế giới, là quốc gia có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng khí ngày càng cao và rộng khắp trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.

Ngày 20/9/2013, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) tròn 23 tuổi, nhìn lại chặng đường đã qua, cán bộ công nhân viên PVGas luôn cảm thấy tự hào vì đã đóng góp đáng kể sức mình cho quá trình hình thành và xây dựng nên một ngành công nghiệp khí hùng mạnh như hôm nay. 

So với bề dày lịch sử 35 năm của ngành Dầu khí Việt Nam, ngành công nghiệp Khí mà PV GAS là trụ cột đang còn khá trẻ, thế nhưng thật đáng tự hào, thật đáng biểu dương khi mà chỉ trong một giai đoạn ngắn, ngành công nghiệp khí đã có những đóng góp hết to lớn cho nhân dân, cho đất nước...

Những con số đáng khâm phục

 

Thực tế cho thấy, ý tưởng về một ngành công nghiệp Khí hoàn chỉnh tại Việt Nam  đã được hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi sản lượng khí đồng hành tại mỏ Bạch Hổ nếu không đưa vào bờ để sử dụng thì sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng lớn môi trường, đến hoạt động khai thác dầu mỏ ngoài biển.

Vì vậy, dự án sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ đã được nghiên cứu từ đây. Và để đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp Khí, ngày 20/9/1990, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành lập Công ty Khí đốt (nay là PV GAS), chính thức khai sinh ra ngành công nghiệp Khí Việt Nam .

Sau 23 năm hình thành và phát triển, đến nay, ngành công nghiệp khí đã tạo dựng cho mình một hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, đảm bảo phát triển bền vững từ thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ cho đến phân phối.

Nếu lấy mốc thời gian là ngày 1/5/1995, tức là ngày mà dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ thì đến nay, PVGAS đã cung cấp trên 75 tỷ m3 khí khô (cho các Nhà máy Điện Bà Rịa, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Hiệp Phước, Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và các hộ tiêu thụ khí thấp áp),  cung cấp trên 7 triệu tấn LPG cho thị trường Việt Nam và trên 1,4 triệu tấn condensate để sản xuất xăng…

Với những thành tựu to lớn đạt được nêu trên, PV GAS đã đóng góp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm (tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia), sản xuất được 1,6 triệu tấn đạm/năm (đáp ứng 70% nhu cầu đạm phân bón của cả nước), sản xuất 100.000 tấn xăng/năm (tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước) và cung cấp khoảng 1 triệu tấn LPG/năm (đáp ứng trên 70% nhu cầu LPG toàn quốc)… 

Việc cung cấp khí của PV GAS đã tiết kiệm cho đất nước một khoản ngoại tệ hàng chục tỷ USD kể từ năm 1995 đến nay (thông qua việc giảm lượng dầu DO nhập khẩu để phát điện), đồng thời tiết kiệm cho ngành điện trên 10 tỷ USD từ chênh lệch giữa giá khí và giá dầu DO. PV GAS cũng đã đóng góp doanh thu cho ngành Dầu khí trên 300.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 50.000 tỷ đồng, hàng năm đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn tập đoàn, 2,5% GDP của cả nước, góp phần đảm bảo an toàn an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho quốc gia.

Sức sống của một thương hiệu mạnh

Có thể nói, trải qua 23 năm phấn đấu không mệt mỏi, đến nay, PV GAS đã trở thành một trong những tổng công ty chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với hàng chục đơn vị thành viên, có địa bàn hoạt động trải dài trên khắp đất nước, thu hút hàng ngàn lao động, trong đó, lực lượng lao động trí thức, được đào tạo chuyên sâu chiếm tỷ lệ khá cao. PV GAS đang và sẽ tiếp tục là đơn vị duy nhất của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực khí.

Mỗi hoạt động của PVGas cũng chính là của ngành và những thay đổi của PV GAS cũng sẽ làm thay đổi cả ngành công nghiệp khí Việt Nam. Thương hiệu PV GAS đã trở nên thân thuộc với hầu khắp các hộ công nghiệp điện, đạm, thép, xăng dầu và nhiều ngành công nghiệp, thương mại và dân dụng khác. Sản phẩm của PV GAS và các đơn vị thành viên hiện đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường trong nước với uy tín và chất lượng đảm bảo.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PV GAS - ông Đỗ Khang Ninh - cho biết: Ngành công nghiệp Khí đã và đang tiếp tục được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí.

Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong nước, tận dụng nguồn khí từ các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời đưa ngành khí Việt Nam trở thành ngành có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới, tăng cường công tác chế biến sâu để gia tăng giá trị của sản phẩm khí…

Từ nay đến năm 2015, PV GAS  phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt từ 18-20%/năm. Cơ cấu doanh thu khí chiếm 61%, sản phẩm khí chiếm 17%, dịch vụ chiếm 22%.

Cũng theo ông Đỗ Khang Ninh, PV GAS hiện đang nỗ lực xây dựng nền công nghiệp Khí hoàn chỉnh với các dự án lớn đang và sẽ được triển khai như: đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, đường ống Nam Côn Sơn 2, đường ống Đông Tây, dự án nhập khẩu LNG, dự án kho lạnh LNG… để phát triển công nghiệp Khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong nước, tận dụng nguồn khí từ các nước trong khu vực và thế giới. Không dừng lại đó, trong tương lai PV GAS sẽ tiếp tục phát triển ra thị trường quốc tế, phấn đấu vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN và có tên trong các tập đoàn khí mạnh của châu Á… 

Hình ảnh trẻ trung của PV GAS - đại diện xứng đáng của ngành Công nghiệp Khí Việt Nam đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, vững vàng ở tuổi 23. PV GAS đang tiến về phía trước với quyết tâm mới: "Ðồng tâm hiệp lực, quyết liệt đổi mới, tăng tốc xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh ngành công nghiệp Khí Việt Nam".

Ðể hòa nhịp với xu thế phát triển chung, từ tháng 11/2010, PV GAS đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Việc cổ phần hóa PV GAS được đánh giá là hướng đột phá, nhằm tiếp tục triển khai chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Đảng, Chính phủ đã đề ra ; qua đó, huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp và quản lý tiên tiến trên thế giới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong và ngoài nước của PV GAS, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng mức độ quốc tế hóa, xã hội hóa các hoạt động của ngành công nghiệp Khí Việt Nam.

Kết quả thành công hơn mong đợi khi tiến  hành IPO đã làm tăng giá trị doanh nghiệp của PV GAS và làm lợi cho nhà nước gần 10 tỷ USD. Kể từ sau khi cổ phần hóa, PV GAS tiếp tục có bước phát triển vững mạnh, riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, PVGas đã đạt doanh thu 29.232 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đề ra trước đó 9%. Trong đó, khí khô đạt 5.163 triệu m 3 , bằng 117% kế hoạch 6 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012; LPG đạt 467.729 tấn, bằng 102% kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Từ kết quả này, PV GAS đạt lợi nhuận trước thuế 7.715 tỉ đồng, vượt 65% kế hoạch 6 tháng đầu năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2012. Trừ thuế, lợi nhuận 6 tháng đạt 6.205 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2012 và vượt 63% chỉ tiêu 6 tháng.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ