Phun khử trùng tại nhà có chống được dịch Covid-19?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc thuê dịch vụ phun khử trùng tại nhà để chống dịch Covid-19 là không cần thiết. Quần áo chống dịch chỉ dùng cho nhân viên y tế, không sử dụng trong điều kiện thông thường.

Nhiều gia đình thuê dịch vụ phun khử khuẩn trong nhà.
Nhiều gia đình thuê dịch vụ phun khử khuẩn trong nhà.

Khử khuẩn bằng khói, hóa chất khử trùng

Không khó để tìm đến dịch vụ phun khử khuẩn cho hộ gia đình trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp này. Chỉ với từ khóa “dịch vụ phun khử khuẩn” trên Google, hàng loạt kết quả quảng cáo khác nhau. Theo đó, chỉ với 650 nghìn đồng là bạn đã có thể khử khuẩn toàn bộ căn nhà của mình. Dịch vụ phun khử khuẩn dành cho nhà ở, căn hộ, bệnh viện, nhà cao tầng… thậm chí cả chuồng trại, nhà xưởng, nhà kho…

Theo một đơn vị quảng cáo dịch vụ phun khử trùng, các hóa chất khử trùng sử dụng nhập khẩu từ châu Âu, thân thiện môi trường. Thuốc do Bộ Y tế cấp phép và khuyến khích sử dụng để khử trùng, sát khuẩn. Giá chỉ 650.000 đồng cho căn hộ diện tích 100m2, với nhiều gói ưu đãi, quý khách thoải mái lựa chọn.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng Vật lý Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiều gia đình, cơ quan công sở có nhu cầu phòng dịch nên dịch vụ vì thế cũng phát triển.

Đơn vị phun khử khuẩn có thể sử dụng nhiều dung dịch khác nhau, song phổ biến là cloramin B. Dung dịch này có tác dụng khử khuẩn cao nên được sử dụng nhiều trong các cơ sở y tế. Song đối với nhà ở thì phun bằng dung dịch này phải xem xét lại. Nó có nhược điểm là chỉ diệt khuẩn tức thời do giải phóng clo. Do có tính oxy hóa nên Cloramin B có thể làm gỉ sét đồ dùng, vật dụng, đồ điện tử trong nhà sẽ bị ảnh hưởng.

“Phun khử khuẩn trong nhà chỉ có tác dụng diệt khuẩn tức thời ngay lúc đó. Việc virus, vi khuẩn sau đó phát sinh và trú ngụ trong nhà là điều không tránh khỏi. Do đó, việc sử dụng dịch vụ phun khử khuẩn không có nhiều tác dụng trong phòng chống dịch Covid-19”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Tự pha chế dung dịch diệt khuẩn

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, để có thể diệt khuẩn liên tục trong nhà thì phải phun khử khuẩn liên tục. Nếu sử dụng dịch vụ thì không phù hợp và chi phí sẽ rất lớn. Người dân có thể tự làm vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở hết cửa thông gió ban ngày và tự chế dung dịch phun khử khuẩn bằng cồn y tế. Cồn 96 pha với nước theo tỉ lệ 70 cồn – 30 nước và phun. Cồn bốc hơi rất nhanh, nhưng lại có khả năng diệt khuẩn rất cao nên vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không ảnh hưởng đến đồ dùng trong nhà, giá thành rẻ.

Ngoài ra, sau khi đi ngoài đường về nhà, hãy dùng loại cồn này phun một lượt vào quần áo đã mặc. Việc này có thể ngăn đem virus vào nhà cũng như bảo vệ không gian sống khỏi nhiễm khuẩn. Nên tránh những nơi tập trung đông người và rửa tay bằng xà phòng bất cứ khi nào đi ra ngoài về.

“Tôi thấy có cơ quan còn sử dụng dịch vụ diệt khuẩn văn phòng với giá hàng mấy chục triệu đồng, điều này gây tốn kém không cần thiết. Với văn phòng, mỗi người cũng có thể trang bị một chai cồn pha này để xịt vào khu vực làm việc của mình cũng có hiệu quả phòng dịch rất cao, mà mùi cồn không gây khó chịu như mùi Cloramin B”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Khi pha chế cần đảm bảo đúng tỉ lệ cồn và các nguyên liệu khác để nồng độ cồn luôn đạt 60 - 70% là ngưỡng đủ để diệt virus. Nồng độ cồn thấp sẽ không đảm bảo hiệu quả, nồng độ cao quá dễ bay hơi, khô da và dễ cháy. Pha chế nơi thoáng mát, tránh nguồn nhiệt và tĩnh điện dễ bắt cháy, nổ. Nên pha chế nhanh và đậy kín ngay để tránh bay hơi làm giảm nồng độ cồn.

Không tự dùng quần áo chống dịch

Gần đây, nhiều cửa hàng, shop kinh doanh, sàn thương mại điện tử… rao bán đồ bảo hộ chống dịch, loại phủ từ đầu tới chân với nhiều mức giá khác nhau. Không quá khó để người dùng mạng xã hội bắt gặp những bài rao bán cả set đồ (gồm bộ quần áo, mắt kính, khẩu trang, găng tay, giày, bao trùm đầu) với giá chỉ từ 190.000 đồng/set cùng những lời quảng cáo có cánh. Thậm chí, nhiều người còn quảng cáo sản phẩm được sản xuất bằng vải không dệt, nên người mặc không bị nóng khi sử dụng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Thông, nguyên Viện trưởng Viện Dệt may, chỉ cần nhìn qua là biết những bộ đồ bảo hộ này không đảm bảo đúng chức năng phòng dịch như các bộ quần áo chuyên dụng. Người dân không nên dùng các bộ đồ bảo hộ như vậy, vừa không có tác dụng phòng tránh virus, giọt bắn, vừa có thể tạo ra những hệ lụy khi sử dụng như tâm lý chủ quan khiến việc lây nhiễm virus dễ hơn. Khả năng bị mẩn ngứa, dị ứng do sử dụng các vật liệu không đúng chuẩn.

“Đồ bảo hộ chuyên dụng được sản xuất bằng những vật liệu và quy trình rất nghiêm ngặt, giá thành vì thế cũng không rẻ. Việc người dân đổ xô bán hoặc đi mua đồ bảo hộ chống dịch là không cần thiết. Trong ngành y, khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ có quần áo bảo hộ nhưng sản phẩm này có những tiêu chuẩn riêng biệt, phục vụ cho mục đích điều trị đặc thù của ngành chứ không phải loại bán tràn lan trên thị trường hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Thông cho biết.

Đồ bảo hộ được thiết kế để sử dụng trong các tình huống đặc biệt, có khả năng lây nhiễm, y bác sĩ dùng khi tiếp xúc với bệnh nhân trong phòng cấp cứu, tiếp nhận ban đầu hoặc bệnh nhân có các triệu chứng ho, hắt hơi, thở máy… chứ không phải là sản phẩm sử dụng thông dụng trên thị trường.

Điều quan trọng là, cá nhân mỗi người đều phải mang khẩu trang để phòng bệnh tối đa. Đặc biệt, việc rửa tay cực kỳ quan trọng, nếu mặc đồ bảo hộ mà quên không rửa tay hoặc rửa tay không đúng chuẩn, sau đó tay đụng lên đồ bảo hộ rồi lại đưa lên mũi, miệng thì khả năng lây bệnh vẫn như thường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.