Một triệu liều vắc xin Sinopharm đã về TP Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Đây là lô vắc xin nhập khẩu đầu tiên của TP Hồ Chí Minh do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 31/7, Bộ Y tế cho biết, TP Hồ Chí Minh đã nhận được 1 triệu liều vắc xin trong tổng số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm do Công ty Sapharco mua. 

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định tại họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 30/7, ngay sau khi kết thúc đợt 5, TP sẽ tiếp tục triển khai đợt tiêm thứ 6, trên tinh thần vắc xin về đến đâu tiêm tới đó, nhằm mục tiêu trong tháng 8 tối thiểu có 2/3 người dân trong độ tuổi 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Để thực hiện được kế hoạch này Thành phố dự kiến cần có 5 triệu liều vắc xin. Bên cạnh nguồn vắc xin được Bộ Y tế cung cấp thì Thành phố còn nguồn thứ 2 cung cấp chính là nguồn tài trợ.

Ông Dương Anh Đức cho biết, ngày 31/7 sẽ có 1 triệu liều vắc xin tài trợ đầu tiên về tới TP Hồ Chí Minh.

Thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các lực lượng y tế công, tư và tổ chức tiêm linh động như Thành phố vẫn đang thực hiện. Chẳng hạn doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ” sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất để đảm bảo quy định và tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục duy trì sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, quy trình tiêm đợt tới sẽ được đơn giản hóa chủ yếu ở công tác chuẩn bị trước tiêm. Theo đó, các địa phương sẽ phát phiếu đồng ý tiêm chủng và phiếu khai báo tiền sử bệnh tới người dân để khai báo trước. Khi đến điểm tiêm chủng, bác sĩ chỉ cần bổ sung thêm một vài thông tin là có thể tiến hành tiêm chủng, như vậy sẽ rút ngắn thời gian tiêm cho từng người.

Ngoài ra, việc quy định thời gian đợi sau tiêm cũng có thay đổi, đối với người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền, cần phải theo dõi sau tiêm 30 phút, còn đối với các trường hợp bình thường thì rút ngắn thời gian theo dõi còn 15 phút. Các quy trình tiêm chủng trong lúc tiêm, sau tiêm, cấp cứu vẫn thực hiện đúng theo quy định Bộ y tế để đảm bảo an toàn.

“TP kỳ vọng việc đơn giản hóa thủ tục tiêm chủng sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm nhưng vẫn đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người tiêm”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến 6h sáng 31/7, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 88.500 trường hợp mắc Covid-19.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 30/7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, tính đến nay TP Hồ Chí Minh đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.

Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận xét việc hạn chế việc ra đường từ sau 18 giờ thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6 giờ sáng đến trước 18 giờ, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết. TP Hồ Chí Minh đã siết chặt các khu phong tỏa, “trong chặt, ngoài chặt”, nhanh chóng xét nghiệm đưa người có nguy cơ cao đi cách ly.

Nhận định chung, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần/ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ngày).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.