Cảnh báo loại virus dễ gây tử vong cho thai nhi

GD&TĐ - Virus Cytomegalo (CMV) là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh.

Lưng bệnh nhi ngay sau sinh. Ảnh: BVCC.
Lưng bệnh nhi ngay sau sinh. Ảnh: BVCC.

Do đó, đối với phụ nữ mang thai, việc xét nghiệm máu chẩn đoán trước sinh là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm CMV.

Dấu hiệu và biến chứng

Khoa Điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một trường hợp sản phụ chuyển dạ đẻ lần 2 ở tuần thứ 39. Bé trai chào đời và nặng 2,7 kg.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trẻ có biểu hiện toàn thân vàng nhợt, ban tím vùng lưng, mặt, tim đập rời rạc… Các bác sĩ đã cấp cứu và điều trị tích cực. Tuy nhiên, bệnh nhi không qua khỏi.

Trước đó, sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng từng cơn, ra máu chuyển dạ… Khi chẩn đoán trước sinh, các bác sĩ nhận thấy hình ảnh thai nhi trên siêu âm có dấu hiệu bất thường, như ối ít, gan to, ruột non tăng âm vang…  Ê-kíp nghi ngờ đây là trường hợp nhiễm trùng trẻ sơ sinh trong bào thai.

Các bác sĩ nhanh chóng hỗ trợ sản phụ vượt cạn an toàn. Tuy nhiên, bệnh tình của trẻ diễn biến bất thường. Sau khi xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ kết luận sản phụ nhiễm virus CMV trước khi chuyển dạ dẫn đến thai nhi tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi mang thai, việc xét nghiệm máu chẩn đoán trước sinh là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm CMV. Từ đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế tình trạng lây nhiễm virus từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh do virus Cytomegalo là bệnh nhiễm trùng hàng đầu gây điếc, chậm phát triển trí tuệ và mù bẩm sinh. Theo đó, 95% ca bệnh không có dấu hiệu lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng gồm sốt, mệt mỏi, yếu cơ, sưng hạch ngoại vi, hạch nội tạng, gan lách to, kèm theo thương tổn trên da.

Trong khi đó, khoảng 80 - 100% ca bệnh có biểu hiện trên da như sẩn màu đỏ, chấm xuất huyết, nốt xuất huyết, mày đay, hồng ban cứng. Trẻ nhiễm virus CMV bẩm sinh thường vàng da, thiếu máu, hạ tiểu cầu, gan lách to, sẩn ngứa, các cục dưới da, viêm màng mạch võng mạc. Thai nhi nếu nhiễm CMV sẽ chậm phát triển ở tử cung…

Có 3 phương pháp xét nghiệm, bao gồm: Phân lập CMV trên tế bào phôi người; Phát hiện ADN của CMV bằng các xét nghiệm sinh học phân tử như Dot Blot, PCR; Tìm kháng thể CMV trong huyết thanh bằng các xét nghiệm ELISA, ngưng kết hạt thụ động.

“Mối đe dọa” với bất cứ ai

Cục Y tế Dự phòng cho biết, tác nhân gây bệnh là Cytomegalovirus (CMV) thuộc họ virus Herpesviridae. CMV có hình khối đa diện đường kính khoảng 200 nm. Ở giữa là genom với ADN, bao quanh là capsid bản chất là protein.

Ngoài cùng có lớp vỏ bao ngoài. Khi ra khỏi tế bào chủ ký sinh hay ngoại cảnh, virus dễ dàng chết. Cytomegalovirus bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, bởi tia cực tím và các chất sát khuẩn thông thường.

“Bệnh có thể gặp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo một số tài liệu, có khoảng 80% - 100% dân số châu Phi; 60% - 70% dân số Mỹ và Tây Âu; 90% - 100% trẻ em và người lớn ở các nước đang phát triển cũng như quốc gia có nền kinh tế thấp, dương tính với huyết thanh chẩn đoán CMV. Ở Mỹ, 0,5% - 1,5% trẻ sơ sinh nhiễm CMV”, Cục Y tế Dự phòng cho hay.

Tại Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu nào nói về tỷ lệ nhiễm CMV. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus này. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về phân bố thời gian nhiễm CMV.

Người nhiễm CMV có thể có triệu chứng hoặc không. Chưa có tài liệu nào nói CMV tồn tại trong tự nhiên. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 8 tuần. Lây truyền trong thời kỳ toàn phát, lui bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, miệng và hô hấp là đường lây nhiễm CMV nổi bật nhất. Ngoài ra, CMV còn lây truyền từ người sang người qua nước bọt, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch tiết của tử cung âm đạo. Truyền máu, ghép phủ tạng của người nhiễm CMV, quan hệ tình dục với người nhiễm CMV cũng là đường lây truyền được đặc biệt quan tâm.

Loại virus này không có miễn dịch. Để phòng chống nhiễm virus CMV, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người nhiễm CMV. Trong khi đó, cách ly người bệnh và nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin sống CMV cho người tình nguyện là những biện pháp chống dịch.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, CMV sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời nếu người đó nhiễm virus. Chu kỳ của CMV gồm giai đoạn ở thể ngủ và giai đoạn hoạt động trở lại. Khi cơ thể khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động.
Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, CMV có thể tái hoạt động và gây bệnh lý cho cơ thể. Nhiễm trùng CMV bẩm sinh có thể không có triệu chứng, nhưng có khả năng gây sảy thai, thai chết lưu, hoặc tử vong sau sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.