30% học sinh rối loạn sức khỏe tâm thần: Người lớn cần làm gì?

GD&TĐ - Khi bị stress, các em sẽ chỉ ao ước thoát khỏi khủng hoảng chứ không tìm cách giải quyết vấn đề này hoặc tìm sự trợ giúp nào đó! Nếu khi cần tâm sự, học sinh sẽ chọn bạn bè, mạng xã hội chứ không phải là giáo viên hay bác sĩ tâm lý!

Trẻ chịu nhiều áp lực đến từ trong và ngoài gia đình.
Trẻ chịu nhiều áp lực đến từ trong và ngoài gia đình.

Tác giả Thái Thanh Trúc cùng cộng sự Trường Đại học Y Dược TPHCM đã có gần 10 năm nghiên cứu về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên ở nhiều tỉnh, thành phố. Chia sẻ với Báo GD&TĐ, tác giả Thái Thanh Trúc cho biết: Nhóm nghiên cứu đã dùng bộ câu hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần vốn đã được phát triển, chuẩn hóa và dùng cho vị thành niên tại nhiều nơi trên thế giới.

Qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh cấp THCS và THPT bị rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc có dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần dao động ở khoảng 30%.

- Xin ông cho biết, những câu hỏi trong bộ đánh giá này đã hướng tới những nội dung gì, lĩnh vực nào khi điều tra?

Ngoài khảo sát trầm cảm, nhóm nghiên cứu của chúng tôi có khảo sát xuyên suốt về nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của học sinh. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2010 và đến nay đã nghiên cứu trên 4.720 học sinh.

Chúng tôi tập trung vào các nội dung: Giới - giới nữ có nguy cơ cao hơn; tuổi - tương ứng với khối lớp; những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu; kiến thức về sức khỏe tâm thần và nguồn hỗ trợ cho vấn đề sức khỏe tâm thân; áp lực học tập.

Trong mỗi nội dung đó đều có bộ câu hỏi riêng. Ví dụ, nội dung “Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu”, chúng tôi nghiên cứu 11 khía cạnh mà gần như khía cạnh nào cũng đều cho thấy có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần.

Đó là: Đứa trẻ bị phớt lờ vì cảm xúc; Đứa trẻ bị phớt lờ về thể chất; Gia đình có người bị nghiện chất kích thích; Sống chung với người bị tâm thần; Các thành viên trong gia đình đối xử thô bạo với nhau; Thành viên trong gia đình đi tù; Trải nghiệm cha mẹ ly thân hoặc ly dị; Bị lạm dụng về tinh thần; Ngược đãi về thể chất; Bị lạm dụng tình dục; Môi trường, cộng động xung quanh có nhiều bạo lực, dân trí thấp.

Ở nội dung Áp lực học tập, đây cũng là yếu tố nguy cơ dẫn tới vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ. Không giống như nghiên cứu trước, tôi không đơn thuần là hỏi có áp lực không, mà chúng tôi sử dụng công cụ đã chuẩn hóa tại Việt Nam gồm 16 câu hỏi đánh giá về áp lực học tập (về thời gian học tập - nhiều hay không), lo lắng về điểm số, sự chán nản, sự kỳ vọng và khối lượng học hành.

- Vậy, những kết quả thu về sau khi nghiên cứu là như thế nào, thưa ông?

30% học sinh rối loạn sức khỏe tâm thần: Người lớn cần làm gì? ảnh 1Ông Thái Thanh Trúc, Trường Đại học Y Dược (TP.HCM).

Ở nội dung “Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu”, cái đứng đầu là trẻ bị phớt lờ về thể chất và tinh thần. Đây là 2 nội dung trẻ bị nhiều nhất.

Trên một nghiên cứu khác, ở 1.089 học sinh THPT ở 4 quận tại TPHCM, chúng tôi tìm hiểu xem, học sinh có hiểu biết về sức khỏe tâm thần hay không?

Kết quả cho thấy học sinh không có năng lực hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Học sinh chưa được trang bị kỹ năng để biết khi nào em có dấu hiệu bất ổn, khi nào vượt qua được, khi nào cần trợ giúp. Vì vậy, nhiều khả năng sẽ có những vấn đề nhỏ mà nếu không biết cách ứng phó kịp thời có thể dẫn tới trầm cảm. Nhóm của mình đang tìm cách nghiên cứu và can thiệp trên học sinh.

Nhóm tôi nghiên cứu cũng tiến hành trên 535 học sinh tại Trường THPT Lê Hồng Phong để xem cách ứng phó của học sinh khi bị stress và để biết, liệu rằng áp lực học tập có dẫn tới rối loạn tâm thần hay không.

Kết quả cho thấy, tỉ lệ học sinh có các dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm cũng cao, tương tự như học sinh không chuyên. Điều đáng quan tâm là cách ứng phó của các học sinh là tương tự nhau dù cho có bị stress, lo âu và trầm cảm hay không.

- Ngoài việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần, nhóm nghiên cứu còn tìm hiểu thêm về lĩnh vực nào, giải pháp nào cho vấn đề này không, thưa ông?

Có chứ. Ngoài bộ câu hỏi về nguyên nhân, chúng tôi cũng tìm hiểu về chiến lược ứng phó khi học sinh có dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần như thế nào. Đây mới chính là điều thú vị của nghiên cứu.

Nhiều học sinh khi bị stress, thì chỉ ngồi ao ước thoát khỏi stress chứ không tìm cách giải quyết vấn đề này, hoặc tìm sự trợ giúp nào đó! Còn đối với việc lựa chọn tìm đến ai để chia sẻ vấn đề này, bạn biết các em học sinh chọn ai để chia sẻ không?

Chọn bạn bè, chọn mạng xã hội và chọn người thân! Người tin cậy nhất là bạn bè. Nhưng bạn mình cũng giống mình thôi, sao có thể tư vấn được? Đồng ý tâm sự với bạn cũng giảm stress, nhưng không phải là khuyến nghị, vì tâm sự với bạn xong có khi còn stress hơn.

Ngoài ra, nhiều học sinh lại chọn cách tìm kiếm trợ giúp khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần là trên mạng xã hội. Đây là một kênh vô cùng phong phú và đúng sai như thế nào không thể biết chắc được.

Như vậy, ta thấy rằng, kênh hỗ trợ các em lựa chọn là không phù hợp. Khi nghiên cứu xong, chúng tôi đều để lại điện thoại, email cho các em liên hệ, cần kíp có thể tư vấn, giải đáp.

Nhưng với 4.720 học sinh nghiên cứu, chúng tôi chỉ nhận được 4 - 5 cuộc điện thoại, chủ yếu là vấn đề sức khỏe chung mà thôi. Như vậy, có thể thấy tổng đài tư vấn có thể không phải là kênh tiếp cận hiệu quả cho vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh.

- Vậy, nhóm nghiên cứu của các tác giả đã xử lý vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi nghiên cứu là để hỗ trợ học sinh. Sau khi có kết quả, chúng tôi đều thông báo về các trường để biết cụ thể tình hình. Ngoài ra, chúng tôi có viết bài và được xuất bản nhiều bài báo về vấn đề này. Hy vọng đây là 1 kênh để những người có trách nhiệm có thể can thiệp. Chúng tôi cũng trình bày tại các hội nghị khoa học để cùng nhau kêu gọi, can thiệp, giúp đỡ học sinh.

Tôi rất muốn dùng mạng xã hội để giải quyết vấn đề này cho học sinh, bởi các em chọn mạng xã hội là lựa chọn tìm kiếm thông tin, tìm kiếm trợ giúp. Nếu chúng ta có bác sĩ tâm lý ngay ở trường cũng chưa chắc các em đã tới tư vấn. Cần phải sử dụng công nghệ để các em tiếp cận. Tiếc là hiện nay, chúng tôi chưa đủ nguồn lực để thực hiện.

Đến nay, sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên vẫn chưa thật sự được quan tâm. Đây đang là mảng trống. Chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa ai dùng hoặc hỏi han tới, kể cả ngành Giáo dục. Cần phải biết là những dấu hiệu tâm thần không xuất hiện một sớm một chiều, mà là diễn biến trong một quãng thời gian dài.

Chúng ta cần có sự giám sát, theo dõi của các bên liên quan. Không nên chờ mất bò rồi mới lo làm chuồng. Thực tế chúng ta chỉ thực sự quan tâm đến vấn đề này sau khi đã có hậu quả nghiêm trọng như vài trường hợp học sinh trầm cảm và tự tử.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.