Nam Định là vùng đất của những thánh đường kỳ vĩ nhưng nhà thờ đổ ở Hải Lý, huyện Hải Hậu lại thu hút nhiều người tới chiêm ngưỡng. Vậy vì sao những hoang tàn đổ nát ấy lại khiến nhiều người mê mẩn?
Trái tim đổ vỡ
Nhắc tới Giáo phận Bùi Chu (Nam Định) là nhắc tới vùng đất của những ngôi thánh đường chót vót. Vùng đất này cũng nổi bật với nhà thờ Phú Nhai - một trong 4 Tiểu Vương cung Thánh đường ở Việt Nam, không chỉ tráng lệ nhất vùng Nam Định mà còn lớn nhất Đông Nam Á.
Có một điều kỳ lạ, so về lượng khách tham quan thì nhà thờ Phú Nhai lại không thể bằng nhà thờ đổ Hải Lý. Rất nhiều người cũng không thể hiểu lý do vì sao, vậy hãy cùng Báo GD&TĐ chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang tàn của nhà thờ đổ và cùng khám phá những bí mật khó lý giải.
Nhà thờ đổ Hải Lý là tên gọi nôm na khi kết hợp giữa hiện trạng đổ nát và địa danh nơi công trình án ngữ. Thực tế lịch sử, nhà thờ này có tên gọi nhà thờ Lái Tim, từ “Lái” là theo cách nói xưa chệch từ “Trái” - thế nên nhà thờ có tên gọi trên văn bản là Trái Tim.
Lần giở lịch sử Giáo phận Bùi Chu mới rõ, nhà thờ này thuộc làng chài Xương Điền trong địa hạt của xã Hải Lý, huyện Hải Hậu. Trước đây, Xương Điền còn được gọi là Cồn Xôm hay Cồn Cỏ nằm trên dải đất Quần Anh hạ giữa sông Trà Lũ và sông Ninh Cơ.
Khi truyền giáo tại miền Bắc, các nhà thừa sai theo đường ven biển để giảng đạo. Vì thế, Xương Điền là một trong những vùng đất mà đạo Công giáo du nhập từ rất sớm, có thể là năm 1627 - trên đường linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ - người sáng tạo chữ Quốc ngữ), đi giảng từ Ba Làng đến Thăng Long.
Theo tư liệu còn lưu trữ, nhà thờ đầu tiên của Xương Điền được xây dựng năm 1696. Năm 1797, Toà thánh Vatican ban sắc lập xứ đặt tên là Xương Điền và cử linh mục Hân về coi sóc giáo xứ Xương Điền lúc bấy giờ.
Nhà thờ Trái Tim chính thức được lập từ năm 1877, nằm giữa vùng đất của Doanh Châu và Văn Lý – kết quả của công cuộc quai đê lấn biển nên vùng này còn gọi là Cồn Cát Bể. Khi lần đầu lập dựng, nhà thờ đơn sơ lợp bằng cỏ bổi, xung quanh có nhiều cây chay nên còn gọi là “nhà thờ chay”.
40 năm sau, Cồn Cát Bể bị biển lấn nên nhà thờ Trái Tim phải chuyển sâu vào trong khoảng 3km. Năm 1917, người dân bắt tay vào tái thiết một ngôi thánh đường mới với bản thiết kế do một kiến trúc sư người Pháp thực hiện.
Nhà thờ được hoàn thành năm 1927 với khuôn viên trên 9.000m2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, kiến trúc cửa vòm cao 15m, nhiều hoa văn hoạ tiết tỉ mỉ phong cách châu Âu. Ngoài ra, nhà thờ còn một nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.
Sự xâm lấn của biển vẫn tiếp diễn không ngừng cùng với sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt khiến nhà thờ nhanh bị hư hại và phải trùng tu nhiều lần. Tuy nhiên, sau 78 năm đi vào hoạt động (1927 - 2005), cùng với một số nhà thờ khác trong khu vực, như nhà thờ giáo họ Phê rô, giáo họ Thánh nữ Madalena bị đánh đổ thì nhà thờ Trái Tim chỉ còn lại tháp chuông, nền nhà thờ và phần tường phía Bắc như hiện nay.
Cạnh nhà thờ đổ là bến thuyền đánh cá của ngư dân - cũng là địa điểm để du khách khám phá. |
Chứng tích về biến đổi khí hậu
Theo người dân giáo xứ Xương Điền, tháp chuông và nhà thờ đổ trên bãi biển Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, nhằm giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Trên thế giới, chứng tích nhìn thấy bằng mắt thường về quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng không có nhiều. Bởi vậy mà nhà thờ đổ ở bãi biển Hải Lý không chỉ trở thành chứng tích mà còn được ví như một “bảo tàng sống” cho lời nhắc nhở và cảnh báo về sự tàn phá của thiên nhiên mà con người không thể can thiệp.
Nhìn từ ngoài biển, tháp chuông trông như một ngọn hải đăng dẫn đường. Người đi biển nhìn vào tháp chuông, cũng ước đoán thuyền mình cách bờ bao xa, cũng là nơi chỉ hướng đi tốt nhất khi chưa định hình được trên vạn dặm hải lý. Thế nên nếu trước kia, tiếng chuông là âm thanh dẫn lối, thì nay tháp chuông ấy lại là hiện vật chỉ đường.
Có đến nhà thờ đổ, có đặt mình trong hoàn cảnh người Xương Điền mới thấy nhói lòng về những mất mát “trời làm”. Ai cũng có quê hương bản quán, có nơi chôn rau cắt rốn với những kỷ niệm và dấu ấn trong tim, thế nhưng vào một ngày nọ, tất cả những gì trân quý đều theo sóng biển đi xa. Nơi họ dựng căn nhà, nơi mảnh vườn trồng rau… tất cả đều bị con sóng dữ ngoạm lấy, thế là mất nhà, mất quê hương.
Mất vật chất có thể ít nuối tiếc nhưng họ còn mất cả tinh thần khi trái tim của họ - nhà thờ Trái Tim cũng không tránh khỏi sự sụp đổ. Mỗi buổi chiều tà, khi ánh nắng yếu ớt hắt những tia cuối cùng xuống mặt biển, người dân ở giáo xứ ấy lặng lẽ ngồi nhìn những con sóng xa – nơi ấy từng là nhà của họ, từng là mái ấm rộn rã tiếng cười. Tất cả gửi đi theo sóng!
Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mỗi năm ở huyện vùng biển Hải Hậu bị biển lấn từ 15 - 20m, đến nay đã mất tới trên 6 triệu m2 đất. Chính quyền đã di chuyển nhân dân tại 5 xóm của 3 xã Hải Lý, Hải Triều và thị trấn Thịnh Long với tổng số nhân khẩu phải di chuyển vào trong đê tuyến 2 là 3.750 người.
Cứ mỗi năm biển lấn sâu vào thêm một chút, thế mà mất làng! Và có lẽ điều đáng sợ hơn là khiến cho người dân vùng biển mất đi phản xạ tiến ra biển. Trái ngược hẳn với thời kỳ xa xưa khi tổ tiên ra sức quai đê lấn biển.
Thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, người Xương Điền cũng chỉ mong sóng biển không ăn sâu vào thêm, để cho nhà thờ Trái Tim kia còn nguyên phần tháp và bức tường đã hoang hoá mà ngắm nhìn khi nhớ về đất quê xưa.
Hãy đẹp, ngay cả khi bị vùi dập!
Mặc dù chỉ còn lại nền móng, bức tường và phần tháp chuông nhưng nhà thờ Trái Tim lại khiến cho nhiều người phải trầm trồ tìm đến chiêm ngắm và chụp những bức hình làm kỷ niệm.
Chẳng biết có đúng không, nhưng nhiều bạn trẻ tới đây nói rằng nhà thờ đổ có phép nhiệm màu khiến cho ảnh chụp rất “ăn hình”. Bằng chứng là nhiều người không “ăn ảnh” nhưng khi chụp với nhà thờ đổ thì khuôn hình lại rất chân thực và đẹp mắt.
Thực ra, việc chụp ảnh khiến cho người không “ăn ảnh” thấy đẹp hơn vì ánh sáng nơi đây đủ đầy, không bị che khuất bởi bóng cây hay chướng vật nào. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp tự nhiên huyền bí của nhà thờ đổ khiến cho vạn người mê mà tìm đến check in.
Giữa bãi biển đầy nắng, cát và gió ấy, ngôi thánh đường hoang tàn với màu gạch đỏ chủ đạo như một vệt son điểm xuyết trong bức tranh phong cảnh. Dấu ấn thời gian đã hằn sâu trong từng thớ gạch, đường viền làm cho ngôi thánh đường ấy như một “lão ngư” của biển cả.
Lối kiến trúc độc đáo mà vị kiến trúc sư người Pháp xưa kỳ công vẽ ra, được những người thợ lành nghề đắp nổi khắc chìm thật tài hoa. Thế nên ở những mảng tường còn sót lại, dù chỉ một chút hoạ tiết còn lưu cũng đủ trở thành nét đẹp chọn lọc.
Tháp chuông 3 tầng tuy không cao nhưng giữa một không gian bằng phẳng của cát, những gì còn lại của thánh đường giống như một cung điện từng rất nguy nga. Người khéo tưởng tượng có thể liên tưởng đến tiếng dương cầm du dương dẫn dụ cho lời thánh ca nhập lễ, hoặc tiếng đọc kinh cầu nguyện đều đều vang vọng trong đêm thánh ngày Chúa giáng sinh.
Từng rất nguy nga, nhưng khi vật đổi sao rời, linh khí vẫn tụ lại trên từng chi tiết của nhà thờ. Giữa giông tố mưa rừng bão biển, ngôi thánh đường vẫn trụ vững dù không trọn vẹn. Chỉ cần vẻ đẹp kiên gan ấy cũng đủ để nhà thờ Trái Tim so bì với bất kỳ công trình hoàn mĩ nào khác.
Tổng thể phần còn lại của nhà thờ đổ và phần tháp chuông. |
Những cặp đôi chụp ảnh cưới cũng rất thích vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ. Họ hi vọng tình yêu cũng vững bền như sự kiên gan của nhà thờ khi đối mặt với bão giông. Vẻ đẹp tuổi trẻ rồi sẽ qua đi, nhưng vẻ đẹp tình yêu thì còn mãi – và nhà thờ Trái Tim chính là sự tin tưởng của những trái tim yêu nhau.
Những người trẻ đến check in sống ảo nhưng cảnh hoang sơ đổ nát kia lại chẳng ảo chút nào. Người trẻ thường ít trải sự đời, ít nếm cay đắng, đổ vỡ… cho nên khung cảnh nhà thờ đổ tôn thêm cho tuổi trẻ sự trải đời và làm nổi bật vẻ đẹp thánh thiện vốn có. Ngầm trong mỗi bức hình còn là thông điệp “hãy cứ đẹp, hãy cứ hiên ngang - ngay cả khi bạn bị vùi dập!”.
Có thể những giải thích ấy chỉ là võ đoán, nhưng thật không dễ để dùng một từ ngữ nào đó để tả vẻ đẹp tiềm ẩn của nhà thờ đổ. Người đến thưởng ngoạn cũng chỉ có thể cảm nhận thấy một vẻ đẹp gì đó, rất khó để gọi thành tên.
Nhưng rốt lại, vẻ đẹp ấy là sự hoà quyện của thiên nhiên, của biển, của bàn tay sáng tạo con người - vẻ đẹp ấy rất hiếm nhưng luôn thường trực nếu trái tim ta biết cảm nhận, đúng như tên của ngôi thánh đường - nhà thờ Trái Tim.
Vẻ đẹp hiếm có của nhà thờ đổ ở Hải Lý không chỉ thu hút du khách, mà còn là nguồn cảm hứng khi xuất hiện ở một số bộ phim tài liệu và điện ảnh. Năm 2021, UBND tỉnh Nam Định kêu gọi đầu tư khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái tại khu vực nhà thờ đổ với quy mô 55ha. Để bảo tồn và giữ cho phần tháp chuông và phần móng nhà thờ không bị sụp đổ, chính quyền địa phương và người dân đã xây kè bao quanh, tạo cảnh quan đẹp hơn để du khách chụp ảnh check in.