Sức hấp dẫn của 'Địa hình huyền bí'

GD&TĐ - Lê Bá Đảng là một tên tuổi lớn, đã được nhiều kinh viện trên thế giới ghi nhận, nhưng ở Việt Nam tác phẩm của ông lại chưa được biết đến rộng rãi.

Giới mộ điệu trong và ngoài nước đến ngắm tranh của cố danh hoạ Lê Bá Đảng.
Giới mộ điệu trong và ngoài nước đến ngắm tranh của cố danh hoạ Lê Bá Đảng.

“Địa hình huyền bí” với những tác phẩm tuyệt đẹp của cố danh hoạ Lê Bá Đảng đang gây xúc động mạnh với giới mộ điệu bởi sự nghiêm cẩn và tỉ mỉ của nghệ thuật dựa trên nghiên cứu khoa học.

Những tác phẩm hồi tưởng quê hương

Chân dung hoạ sĩ Lê Bá Đảng.

Chân dung hoạ sĩ Lê Bá Đảng.

Ngày 18/12, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê cho hay, không khí xung quanh sự kiện triển lãm “Địa hình huyền bí” sầm uất hiếm có bởi sự quan tâm đặc biệt của giới nghệ sĩ Việt Nam và giới mộ điệu cả nước dành cho cố danh hoạ Lê Bá Đảng.

Theo ông Ace Lê, sở dĩ triển lãm “Địa hình huyền bí” được mong chờ nhất năm 2023 có lẽ vì từ khi Lê Bá Đảng Memory Space được thành lập tại Huế, chưa có một triển lãm hồi cố nào dành cho ông ở TPHCM hay Hà Nội - vốn là hai đầu cầu văn hoá.

Lê Bá Đảng là một tên tuổi lớn, đã được nhiều kinh viện trên thế giới ghi nhận, nhưng ở Việt Nam các tác phẩm của ông lại chưa được biết đến rộng rãi.

Là một danh hoạ ở tầm vóc thế giới nhưng giới mộ điệu Việt Nam lại hiếm khi được tiếp cận tác phẩm của Lê Bá Đảng. Đó cũng là lý do mà triển lãm được đội ngũ Lân Tinh Foundation - tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2021 tại Singapore thực hiện tại Annam Gallery (TPHCM) diễn ra tới cuối tháng 1/2024.

Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, nhìn lại các hoạt động mỹ thuật năm 2023 đáng lưu ý nhất là các triển lãm thứ cấp như: Tay níu thời gian (tháng 3 tại Đà Lạt), Họa duyên tương ngộ (tháng 7 tại TPHCM), Mộng Viễn Đông (tháng 8 tại TPHCM), 50 sắc sắc (tháng 11 tại TPHCM), Trong ngọc trắng ngà (tháng 12 tại Đà Nẵng) và “Địa hình huyền bí” (tháng 12 tại TPHCM).

Trong đó, “Địa hình huyền bí” của cố danh hoạ Lê Bá Đảng được quan tâm đặc biệt vì nhiều người đã “nghe thấy tên nhưng chưa được thấy tác phẩm”.

Nghiên cứu của Lân Tinh Foundation cho thấy, thực hành nghệ thuật của Lê Bá Đảng được xây dựng trên nền nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn và tỉ mỉ, kiến tạo nên những lối tiếp cận và kỹ thuật sản xuất giấy thủ công độc đáo gồm in thạch bản (lithography), in tranh bằng lụa kết hợp dát vàng (Lebadanggraphie) và cắt - dán giấy tạo không gian nổi (Spacegraphie) – cũng là kỹ thuật tạo cảm hứng cho ý tưởng triển lãm lần này.

Khi quan sát từ trên cao, các tác phẩm trong loạt “Spacegraphie” trông như những sa bàn với đủ loại địa hình có chiều sâu, trừu tượng và bí ẩn. Chúng mô phỏng những đồng ruộng, núi cao hay biển sâu... như một cách để tác giả hồi tưởng về đất nước của tuổi thơ ông.

Một mạch nội dung quan trọng khác của triển lãm là tính hư cấu huyền ảo trong bộ thạch bản “Thiên nhiên nguyện cầu không lời” (La Nature prie sans parole) sáng tác cuối thập niên 60, lấy cảm hứng từ chất thiền trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử.

Thân xác phương Tây, tâm hồn phương Đông

Một tác phẩm trong triển lãm 'Địa hình huyền bí'.

Một tác phẩm trong triển lãm 'Địa hình huyền bí'.

Lê Bá Đảng (1921 - 2015) là một trong những hoạ sĩ hiện đại người Việt thành danh tại châu Âu nửa sau thế kỷ 20 với hệ thống ngôn ngữ thị giác đa phương tiện, mang đậm dấu ấn cá nhân. Dù ông sống và sáng tạo nghệ thuật xa quê hương nhưng các tác phẩm luôn bám rễ vào đời sống Việt Nam, mang đậm tính dân tộc và chiều sâu văn hoá - lịch sử.

Nghệ thuật Lê Bá Đảng kết hợp tinh xảo các thủ pháp điêu khắc và hội họa để tạo hình khắc nổi trên những lớp bề mặt tranh phong phú được chế tác từ nhiều lớp giấy chuyên dụng, từ đó kiến thiết những loại không gian có chiều sâu.

Tính liên phương tiện này đã giúp “Spacegraphie” vượt khỏi phạm trù lưỡng cực hội họa - điêu khắc truyền thống phương Tây để tiến đến một loại nghệ thuật tạo hình mới, kết hợp cả hai.

Lê Bá Đảng như nghiệm ra toàn bộ triết lý Đạo giáo nguyên thủy trong biểu hình trừu tượng, với màu sắc dịu trầm, lắng đọng cùng những khoảng trống hậu cảnh chói sáng, bí ẩn và ảo diệu. Ông muốn dùng các hình dạng bất định như “những ngôn từ giúp ta phân biệt và nắm bắt thực tại”, cũng như “tái kết nối ta với sự thống nhất nguyên thủy và bản chất cốt lõi của mình.

Lê Bá Đảng dành phần lớn thời gian đời mình tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Năm 18 tuổi, ông tự nguyện tham gia vào đội ngũ nhân công bản xứ của Bộ Lao động Pháp với khát khao thoát nghèo. Trải qua nhiều biến cố trong Thế chiến thứ 2, ông quyết định nhập học Trường Mỹ thuật Toulouse (1942 - 1948), vừa học vừa làm.

Sinh thời, hoạ sĩ Lê Bá Đảng có nói: “Tôi cứ làm khác người ta, xưa nay người ta quen nhìn thẳng. Bây giờ, con người đã bay lên trên trời rồi thì mình phải nhìn xuống để thâu tóm những gì rộng lớn, bao la, tổng quát để thoát ra khỏi những biên giới, để giải phóng những vòng vây hình thức của bức tranh”.

Năm 1955, giới chuyên môn bắt đầu đánh giá cao tác phẩm của Lê Bá Đảng, và từ đó sự nghiệp nghệ thuật của ông thăng tiến với rất nhiều triển lãm ở Pháp, Mỹ, Nhật…

Ông đã được trao nhiều giải thưởng cao quý tại Mỹ, Anh, Pháp và Việt Nam, như “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” (Viện Quốc tế Saint - Louis, Mỹ năm 1989), có tên trong danh mục “Những người có tên tuổi của thế giới” (Trung tâm Tiểu sử Quốc tế, Đại học Tổng hợp Cambridge, Anh năm 1992), “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp” (Nhà nước Pháp, năm 1994) và “Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước” (Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng năm 2005).

Hiện nay, các tác phẩm tiêu biểu của Lê Bá Đảng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lê Bá Đảng và Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Huế). Tháng 11/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tiếp nhận 253 hiện vật quý giá của ông, do vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê hiến tặng từ Pháp.

“Loạt tranh trưng bày tại triển lãm lần này gồm nhiều tranh quý, được đánh dấu “E.A.” (épreuve d’artiste) - tức bản nghệ sĩ tự giữ riêng cho mình. Nhà sưu tập đã dày công tìm kiếm và hồi hương những bản quý này, và đặc biệt là bộ in thạch bản 16 tranh “Thiên nhiên nguyện cầu không lời” đầy đủ, trọn vẹn. Lấy cảm hứng từ Đạo Đức Kinh, bộ tranh thể hiện tư tưởng thấm nhuần Đông phương học được biểu đạt qua ngôn ngữ tạo hình Tây phương, dệt thành một kết quả thị giác độc đáo, nhiều tầng lớp triết lý”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.