Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần “kích cầu” bằng nhiều cơ chế, chính sách để ngành sư phạm thực sự có sức bật mới, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Ngành sư phạm “nóng” trở lại
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 56 trường đại học đào tạo giáo viên, với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành trình độ cao đẳng. Năm 2021, tuyển sinh ngành sư phạm có bước tiến cả về số và chất lượng. Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, nhóm ngành sư phạm vươn lên vị trí thứ hai. Một số ngành “nóng”, điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8 - 9 điểm/môn.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ghi nhận, kể từ khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực, nguồn tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên tốt hơn. Theo Nghị định, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm là 3.630.000 đồng/tháng. Điều này góp phần tạo nên sức hút cho ngành sư phạm.
Mùa tuyển sinh năm 2022, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tiếp tục khởi sắc. Đây là một trong những lĩnh vực nằm trong tốp có tỉ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Thông tin về tỷ lệ thí sinh nhập học ngành sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, bậc đại học có 32.200 thí sinh/39.196 chỉ tiêu nhập học, đạt trên 82%. Đối với hệ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, có trên 9.300 chỉ tiêu, kết quả nhập học hơn 6.600 sinh viên, đạt trên 71%.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (Khánh Hòa) cho rằng, những chính sách về giao chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế; miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm… đã giúp ngành sư phạm “nóng” trở lại và ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, điều TS Nguyễn Trung Triều mong đợi là cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Muốn vậy, cần có cơ chế đặc cách trong tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp được đào tạo theo hình thức này. Tức là, sinh viên ra trường phải được bố trí việc làm, không để các em “tự bơi”. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Những vấn đề trên, cùng với Nghị định 116/2020/NĐ-CP sẽ làm gia tăng sức hút và tạo sức bật cho ngành sư phạm.
Cần sức hút bền vững
Theo GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Nghị định 116/2020/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để các địa phương và trường sư phạm nâng cao hiệu quả đào tạo, tăng sức hút cho ngành sư phạm. Tuy nhiên, để những yếu tố này mang tính bền vững, cần chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống các trường sư phạm của cả nước – hệ thống “máy cái” của ngành Giáo dục.
Ảnh minh họa/ INT |
Theo đó, việc đầu tiên là các trường cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; Cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên; đồng thời, đổi mới phát triển nội dung, chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khuyến nghị, cần tăng lương cho đội ngũ nhà giáo, nhất là với thầy, cô công tác ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục các địa phương cần quan tâm, chú ý đến điều kiện sống để giáo viên yên tâm bám trụ với nghề.
Khi Nhà nước chưa thể tăng lương đồng loạt cho giáo viên ở tất cả các vùng miền, thì chúng ta có thể ưu tiên cho giáo viên giỏi công tác tại địa phương khó khăn. Mặt khác, cần chú ý đến chính sách lương thỏa đáng để thu hút người có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về làm công tác giảng dạy. “Nếu nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài về nước chỉ thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng thì không thể khuyến khích họ vào làm giảng viên ở các trường học sư phạm” - GS.TS Đinh Quang Báo nêu vấn đề.
Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) nhấn mạnh, chúng ta đang tính đến việc phân bổ giáo viên theo hình thức đặt hàng với các trường đại học sư phạm. Tuy nhiên, việc làm này khó cân đối giáo viên ở từng địa phương. Vì vậy, cần có kế hoạch thi tuyển đối với thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm chặt chẽ hơn. Từ đó tính toán việc làm cho các em một cách hợp lý dựa trên nhu cầu, sự thiếu hụt tổng thể của quốc gia.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cần tham khảo mô hình tuyển sinh của các trường đại học công an, quân đội để chọn lựa được những thí sinh giỏi, đầu quân vào các trường đại học sư phạm. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Chí Nghĩa, khi xây dựng các chính sách mới, cần thận trọng, tránh vội vàng, phải nhìn trên phương diện tổng kết, đánh giá tác động của chính sách và đồng bộ các quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu quan điểm, chúng ta không thể để tình trạng điểm thi vào các trường đại học sư phạm thấp, cũng không thể “nhấm mắt làm ngơ” khi những học sinh, sinh viên giỏi nhất không muốn vào các trường sư phạm hay ở lại trường làm giảng viên. Những bất cập này không phù hợp với xu thế phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước.
Vì thế, theo ông Đỗ Chí Nghĩa cần có những chính sách đãi ngộ từ lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên, nhân lực giỏi trong ngành Giáo dục ở từng vùng miền, khu vực. Qua đó, tạo nên môi trường sư phạm sang trọng, minh bạch; môi trường của trí thức, trí tuệ và được trân trọng. Từ đó, mới có được nguồn tuyển sinh chất lượng vào các trường sư phạm cũng như tuyển dụng được người giỏi nhất vào giảng dạy ở các cấp học. Điều đó, sẽ tạo “đòn bẩy” để ngành sư phạm có sức bật và diện mạo mới.
GS.TS Đinh Quang Báo đề xuất, cần có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp xong có việc làm. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và không chạy theo số lượng.