Học sinh giỏi sẽ chọn ngành sư phạm?

GD&TĐ - Trước yêu cầu của xã hội với nhân lực ngành sư phạm cùng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với sinh viên sư phạm, dự kiến trong mùa tuyển sinh năm nay, số học sinh giỏi lựa chọn ngành sư phạm sẽ tăng mạnh.

Nhiều học sinh giỏi đã lựa chọn ngành sư phạm. Ảnh minh họa
Nhiều học sinh giỏi đã lựa chọn ngành sư phạm. Ảnh minh họa

Tỷ lệ có việc làm ngày càng cao

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Các mã ngành đào tạo giáo viên đều nằm trong 12 nhóm ngành đào tạo đại học có quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay, chiếm 74% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp từ gần 250 trường đại học hằng năm của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2019 có 44.076 chỉ tiêu, năm 2020 có 69.630 chỉ tiêu, 2021 có 50.687 chỉ tiêu đối với các mã ngành đào tạo giáo viên. Còn năm 2022, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT là rất lớn với trên 1.000.000 em; đây là nguồn tuyển dồi dào cho các trường đại học sư phạm trong toàn quốc.

Về tình hình việc làm của sinh viên sư phạm tốt nghiệp trong 5 năm vừa qua, Trung tâm tiếp nhận từ kết quả khảo sát và báo cáo của gần 240 trường đại học toàn quốc: Năm 2019 có 85% sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có việc làm; năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 87%. Năm 2021, tỷ lệ sinh viên có việc làm là 92%, trong đó khu vực nhà nước 44,1%, khu vực tư nhân 43,9%, khu vực nước ngoài 1,4%, tự tạo việc làm 7,1%. Như vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm không chỉ có việc làm ở khu vực nhà nước mà còn có thể lựa chọn các trường ngoài công lập và tự tạo việc làm cho mình.

“Tỷ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm cao trong những năm gần đây là tín hiệu tích cực để thí sinh dự thi, đăng ký xét tuyển năm 2022 tham khảo lựa chọn”- ông Linh chia sẻ.

Có được kết quả trên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Hằng năm, nhà trường đánh giá để cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đồng thời tăng cường các phần kiến thức liên quan đến thực hành.

Trong 3 năm gần đây, chương trình đào tạo giáo viên của nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với các trường mầm non, phổ thông đặc biệt hệ thống ngoài công lập và trường có yếu tố nước ngoài; đưa sinh viên đi thực tế ở một số trường quốc tế, trường chất lượng cao để các em được cọ sát, trưởng thành.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Nhu cầu lớn

Khẳng định nhu cầu về đội ngũ giáo viên rất lớn trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tính đến năm học 2020 – 2021, tổng số giáo viên giảng viên cả nước là 1,2 triệu người. Trong đó cấp mầm non 337.000 người, tiểu học là 378.000, THCS: 284.000 người, THPT 143.000, giảng viên cao đẳng 37.000, giảng viên đại học 73.000.

Theo Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Bộ GD&ĐT, tổng số giáo viên còn thiếu của toàn quốc tính đến tháng 6/2022 là 95.223 người. Trong đó, số giáo viên mầm non thiếu là 48.718 người, tiểu học thiếu 20.210 người. THCS thiếu 15.162 người, THPT thiếu 11.133 người.

Dự báo đến năm 2025, khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả cấp học sẽ phải bổ sung 24.013 giáo viên ở 3 môn học mới là Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, môn Nghệ thuật ở cấp THPT. Cụ thể Ngoại ngữ bổ sung 11.346 giáo viên. Tin học 7.299 GV, môn Nghệ thuật THPT cần 5.367 giáo viên.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng thông tin: Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ để ban hành Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cũng như chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học ngành sư phạm. Bộ đang xây dựng chính sách tiền lương mới theo Nghị định 27 của Chính phủ; trong đó quy định tiền lương sẽ hưởng theo vị trí việc làm. Điều này giúp sinh viên mới ra trường có thể trang trải cuộc sống.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường liên kết với các sở GD&ĐT để xác định nhu cầu; tiến hành đặt hàng đào tạo đối với các trường sư phạm, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ngay. Bộ cũng xây dựng cơ sở dữ liệu để dự báo số lượng giáo viên về hưu hàng năm, số người chuyển công tác để khi giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm sẽ sát với nhu cầu đào tạo giáo viên hơn.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Khi các em trúng tuyển vào trường còn có nhiều hỗ trợ khác như học bổng của các doanh nghiệp… Do đó, trong những năm gần đây, nhiều học sinh giỏi đã lựa chọn ngành sư phạm” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ