Ngành sư phạm hấp dẫn trở lại

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh năm nay tiếp tục chứng kiến sự quay trở lại tốp đầu của ngành sư phạm về điểm chuẩn, tỷ lệ thí sinh đăng ký và nhập học.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023. ­Ảnh: Sỹ Điền
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023. ­Ảnh: Sỹ Điền

Các chuyên gia cho rằng, đây là minh chứng cho thấy sư phạm vẫn có sức hút riêng.

Chứng kiến sự khởi sắc

Năm 2022, điểm chuẩn của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tăng cao. Riêng ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn là 28,55. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 gồm: Giáo dục chính trị - tổ hợp C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả 3 ngành cao hơn năm ngoái 0,25 - 1 điểm.

Nhiều ngành của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,25 - 2 điểm so với năm 2021. Ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Địa lý cùng lấy 26,25 điểm. Đây là 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường trong năm nay (xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT).

Điểm chuẩn năm 2022 của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) gần “chạm trần”. Hai ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40).

PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết, nhìn chung điểm chuẩn của các ngành đào tạo giáo viên năm 2022 tăng so với năm 2021. Đã có 2.100 thí sinh nhập học và trở thành tân sinh viên của trường. Số này được xét tuyển, lọc ảo từ hàng chục nghìn nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thông tin, hơn 3.100 tân sinh viên đã nhập học vào trường. Các em được tham gia tuần sinh hoạt công dân và lễ khai giảng năm học mới.

Trong 2 năm (2021, 2022), nhà trường vui mừng khi đạt được những thành quả đáng tự hào, khẳng định văn hóa chất lượng trong đào tạo. Có 8 chương trình đào tạo đã đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA của mạng lưới các trường đại học ASEAN, gồm các khoa: Tâm lý học, Vật lý, Giáo dục Tiểu học, Hoá học, Tiếng Trung, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Công nghệ Thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Hồng Đức, (Thanh Hóa). Ảnh: IT

Sinh viên Trường ĐH Hồng Đức, (Thanh Hóa). Ảnh: IT

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là hơn 567.000. Trong đó, khoảng 3.500 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Theo các chuyên gia, tuyển sinh năm nay tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc của ngành sư phạm. Thông qua bức tranh về điểm chuẩn cho thấy, sư phạm nằm trong tốp 5 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29 - 30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ.

Với 29,85 điểm - Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Bích Ngân chính thức trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Hóa học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Bích Ngân chia sẻ, sư phạm vẫn luôn có sức hút với em và nhiều thí sinh khác. Năm nay, em thấy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tăng cao. Vì thế, mức độ cạnh tranh càng thêm khốc liệt. Qua đó cho thấy, ngành sư phạm có sức hút riêng, nhất là khi chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho giáo sinh được triển khai.

Để sức hút sư phạm bền vững

“Chẳng hạn, Trường ĐH Hồng Đức, bên cạnh các yếu tố trên, nhà trường đã và đang thu hút được nhiều học sinh khá giỏi tham gia học tập. Từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức đã được Bộ GD&ĐT xác nhận 4 ngành đào tạo chất lượng cao, trình độ đại học nhóm ngành sư phạm… Đây cũng là những lý do để hấp dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường” - PGS.TS Bùi Văn Dũng nhìn nhận.

Bàn về sức hút của ngành sư phạm, PGS.TS Bùi Văn Dũng cho rằng, có 3 yếu tố tác động chính. Trước tiên phải kể đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương đều có nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở tất cả ngành đào tạo. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Qua đó, đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, giúp nhiều học sinh giỏi, nghèo có cơ hội đi học. Ngoài ra, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu của địa phương nên chỉ tiêu đào tạo có hạn, trong khi thí sinh đăng ký nhiều nên mức độ cạnh tranh cao.

PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) viện dẫn, từ khi triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP, lãnh đạo tỉnh quan tâm và đặt hàng, giao nhiệm vụ cho nhà trường trong đào tạo giáo viên. Vì vậy, nguồn tuyển sinh của nhà trường rất tốt. Sinh viên năm thứ nhất được lấy chế độ hỗ trợ chi phí học tập. Với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp… đã góp phần tăng thêm sức hút cho ngành sư phạm.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để sức hút sư phạm mang tính bền vững và ngày càng có nhiều thí sinh giỏi lựa chọn học sư phạm, các trường cần không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường cũng cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đổi mới phát triển nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay. Ngoài ra, Nghị định 116/2020/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để các địa phương và trường sư phạm, ngành Giáo dục nâng cao hiệu quả đào tạo và tăng sức hút cho ngành sư phạm.

Theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, với một số ngành như giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, ở các địa phương nhu cầu giáo viên rất cao. Sinh viên tốt nghiệp có việc làm, được các địa phương tuyển dụng rất nhiều. Theo đó, số lượng thí sinh đăng ký ghi danh theo học các ngành giáo dục mầm non, tiểu học nhiều hơn. Đây là tín hiệu tốt, tăng sức hút cho ngành sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.