Ngành sư phạm lên ngôi ở mùa tuyển sinh 2022

GD&TĐ - Điểm sáng trong bức tranh điểm chuẩn năm 2022 thuộc về các trường sư phạm khi đều có điểm trúng tuyển ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước.

Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức.
Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức.

Học sinh giỏi chọn sư phạm

Đặt 7 nguyện vọng đầu vào các ngành sư phạm và đào tạo giáo viên nhưng kết quả cuối cùng lại không đạt được ước mơ theo học sư phạm, Nguyễn Thanh Bình ở Hoài Đức, Hà Nội ngậm ngùi: Sau khi đạt điểm xét tuyển tương đối cao, khoảng 8 điểm/môn, em đã đặt nguyện vọng vào các khoa sư phạm của các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2 và Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Dù đã nghiên cứu kĩ điểm chuẩn của các khoa, các trường này trong những năm trước và cũng lường trước điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhưng em không nghĩ sẽ tăng nhiều như vậy. Có những ngành học tăng từ 7-9 điểm so với năm ngoái, mặc dù năm nay mặt bằng điểm thi lại thấp hơn.

Bức tranh điểm chuẩn đại học năm 2022 cho thấy, sư phạm đang thuộc top ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29-30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ.

Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 tính theo thang điểm 30, gồm Giáo dục chính trị - tổ hợp C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả 3 ngành cao hơn năm ngoái từ 0,25 đến1 điểm.

Còn điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dao động từ từ 24,3-38,67 điểm, tính theo thang điểm 40. Năm nay, ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất với 38,67/40 điểm. Hai vị trí tiếp theo là ngành Sư phạm Ngữ văn với 37,17 điểm và ngành Giáo dục Tiểu học với 36,2 điểm. Ngành học có điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm Tin học với 24,3 điểm.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm nay có nhiều ngành lấy điểm chuẩn trung bình gần 9,0, bao gồm gồm Sư phạm Toán 33,95, Sư phạm Lịch sử 36,0, Sư phạm Ngữ văn 33,93, Giáo dục tiểu học 33,7, tính theo thang điểm 40. Trong khi đó, ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Địa lý tại Trường Đại học Thái Nguyên lên đến 26,25 điểm theo thang điểm 40.

Tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm tăng so với năm trước, dao động từ 20,03 đến 28,25, trong đó ngành lấy cao nhất là Sư phạm Ngữ văn với 28,25 điểm, kế đến là Sư phạm Toán học 27. Tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, các ngành sư phạm cơ bản đều tăng hơn trước từ 4-5 điểm. Tại Trường Đại học Quy Nhơn, 6 ngành Sư phạm có điểm chuẩn lên đến 9,5 điểm/môn.

Đặc biệt, điểm chuẩn các ngành sư phạm và đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hồng Đức năm 2022 gần "chạm trần". Có 2 ngành ghi nhận mức điểm trúng tuyển cao nhất là Đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Đại học sư phạm Lịch sử chất lượng cao là 39,92 điểm, tính theo thang điểm 40.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Lý giải nguyên nhân

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ- Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: Mấy năm gần đây ngành sư phạm có cơ hội việc làm rất lớn. Trong suốt quá trình học sư phạm, bạn sẽ được miễn giảm học phí. Điều này khuyến khích các bạn trẻ lựa chọn và theo học ngày càng nhiều hơn. Khi ra trường, bạn có thể công tác tại bất cứ đâu. Không hạn chế ở khu vực hay vùng miền nào.

ThS Lê Phan Quốc- Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng ngoài chỉ tiêu giảm hơn theo phê duyệt của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn tổng thể năm nay tăng vì phân khúc thí sinh đăng ký ngành học đúng đối tượng khi bộ thực hiện quy trình lọc ảo chung cho tất cả thí sinh. Điều này đã tăng cơ hội cao cho thí sinh được vào những ngành mong muốn, nhất là những em giỏi.

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc điểm chuẩn các ngành sư phạm năm nay tăng đã được dự báo từ trước bởi nhu cầu nhân lực sư phạm trong thời gian tới rất lớn. Các mã ngành đào tạo giáo viên đều nằm trong 12 nhóm ngành đào tạo đại học có quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay, chiếm 74% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp từ gần 250 trường đại học hằng năm của Việt Nam.

Một lý do khác theo ông Quốc là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng hơn, nhất là nhóm môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý. Điều này sẽ tác động lớn đến xã hội vì những em đã trúng tuyển với điểm cao nếu chuyên tâm học tốt thì bốn năm sau xã hội sẽ có những thế hệ sinh viên ra trường tốt, cống hiến tốt cho ngành hơn.

PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức - cho rằng, có 3 yếu tố tác động chính. Đầu tiên phải kể đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở tất cả các ngành đào tạo. Vì vậy, các địa phương đã thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, giúp nhiều học sinh giỏi, nghèo có cơ hội đi học.

Yếu tố tác động tiếp theo là chỉ tiêu đào tạo giáo viên hiện nay được giao gắn với nhu cầu của địa phương nên số lượng có hạn, thí sinh đăng ký nhiều nên độ cạnh tranh cao. Nguyên nhân thứ 3 dẫn đến điểm chuẩn ngành Sư phạm tăng cao là do chất lượng giáo dục phổ thông trong những năm qua được nâng cao - thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp THPT có nhiều học sinh đạt điểm cao. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp ở các nhà trường được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Riêng với Trường Đại học Hồng Đức, bên cạnh các yếu tố trên, nhà trường đã và đang thu hút được nhiều học sinh khá giỏi tham gia học tập tại trường bằng việc - từ năm 2018, Trường Đại học Hồng Đức đã được Bộ GD&ĐT xác nhận 4 ngành đào tạo chất lượng cao trình độ đại học nhóm ngành sư phạm. Đồng thời được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trường “ưu tiên” trong tuyển dụng.

Trong 5 năm vừa qua, tỉ lệ sinh viên sư phạm có việc làm không ngừng tăng. Năm 2019 có 85% sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có việc làm; năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 87%, năm 2021 tăng lên 92%. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm không chỉ có việc làm ở khu vực nhà nước mà còn có thể lựa chọn các trường ngoài công lập và tự tạo việc làm cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.