Sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH: Hài hòa phân tầng và kiểm định chất lượng

GD&TĐ - Trong tờ trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH vào tháng 5/2018. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi cùng TS Phạm Thị Ly, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TPHCM, tiếp thêm các ý kiến đề xuất, đóng góp cho dự luật này.

Sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH: Hài hòa phân tầng và kiểm định chất lượng

Tầm quan trọng của công tác phân loại

Trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về GD ĐH trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH 2012, trong đó bao gồm việc sửa đổi bổ sung quy định về phân tầng, xếp hạng trường ĐH. Theo bà, thời gian triển khai thực hiện công tác phân tầng và xếp hạng các trường ĐH, chúng ta gặp phải những vấn đề gì?

Nghị định 73/2015/NĐ-CP về phân tầng xếp hạng đã hòa lẫn hai khái niệm có mục đích hoàn toàn khác nhau là phân tầng (đúng ra nên gọi là phân loại) và xếp hạng, vì thế các trường ĐH rất lúng túng khi thực hiện.

Xếp hạng (ranking) là một sự đánh giá từ bên ngoài nhằm so sánh kết quả hoạt động của một trường trong tương quan đối chiếu với các trường khác, để cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Kết quả xếp hạng bao giờ cũng là một danh sách có tính thứ bậc. Do mục đích của việc xếp hạng, các tiêu chí xếp hạng chủ yếu dựa trên kết quả hoạt động, hơn là các nhân tố đầu vào và đặc biệt ít lưu ý đến nhân tố quá trình.

Xếp loại (categorization) có một mục đích hoàn toàn khác. Xếp loại là nhằm chỉ ra những đặc trưng về bản chất của một trường khiến nó khác với những trường khác loại. Đó là một quá trình nhận biết và phân biệt các trường dựa trên tính chất, mục tiêu và cách thức vận hành của nó, chứ không phải dựa trên thành tích hoạt động. Vì vậy, nhân tố trọng yếu nhất trong việc phân loại, không phải là đầu vào, đầu ra, mà chính là bản chất của quá trình, tức là nằm trong sứ mạng của nhà trường, nếu như ta hiểu sứ mạng không chỉ là những gì được tuyên bố mà còn thực sự chi phối hướng đi, chiến lược và hoạt động của nhà trường.

Không phải xếp hạng, mà chính là phân loại mới là cái ta cần làm khi tái cấu trúc hệ thống. Đó là một việc làm đầy thách thức vì hệ thống GD ĐH Việt Nam từ lâu đã tồn tại dựa vào hoạt động đào tạo. Nghiên cứu nếu có chỉ nhằm mục đích làm tăng uy tín, thanh thế của trường để thu hút người học. Trong bối cảnh đó, chúng ta muốn các trường xác định rõ sứ mạng và đặc thù của mình, tập trung nguồn lực cho sứ mạng và thế mạnh riêng của từng trường.

Nâng cao hoạt động kiểm định

Luật GD ĐH 2012 quy định một trong những tiêu chí phân tầng và xếp hạng cơ sở GD ĐH là kết quả kiểm định chất lượng GD ĐH. Việc sửa đổi quy định về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH có phải đi kèm với một bộ tiêu chí kiểm định chất lượng được chuẩn hóa?

Nhiều bảng xếp hạng trên thế giới không tính những trường chưa được kiểm định. Đó là vì kiểm định được xem như những điều kiện tối thiểu có thể chấp nhận được để đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng tương tự như ta kiểm định xe ô tô để xác nhận là xe đó đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để lưu hành, không gây nguy hiểm cho người khác. Kiểm định đúng ra không phải là tiêu chí để phân tầng hay xếp hạng, mà là điều kiện tiên quyết trước khi thực hiện phân tầng hay xếp hạng.

Luật GD ĐH 2012 quy định tại Điều 51 là các trường ĐH lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng GD ĐH trong số các tổ chức kiểm định chất lượng GD được Bộ công nhận. Vừa qua, xuất hiện bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam do nhóm của 6 nhà nghiên cứu độc lập thực hiện. Mặc dù thông tin này vướng phải nhiều tranh luận trái chiều nhưng là một chuyển động xã hội đáng ghi nhận. Vậy theo bà, việc sửa đổi Luật GD ĐH 2012 có cần lưu ý đến vấn đề này?

Luật có thể quy định xếp hạng ĐH được coi là thông tin tham khảo cho người học và Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước nên ban hành các hướng dẫn về những chuẩn mực mà các bảng xếp hạng có thể dựa vào. Cũng không cần lo lắng về các bảng xếp hạng rởm có thể sẽ nở ra như nấm sau mưa, vì xã hội sẽ có cách tự điều chỉnh qua hoạt động của giới học thuật. Tranh luận trái chiều vừa qua về bảng xếp hạng 49 trường là một tín hiệu đáng mừng, vì nó cho thấy chúng ta đang có một không gian mở cho những ý kiến và quan điểm khác biệt.

Xin cảm ơn bà!

Sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH: Hài hòa phân tầng và kiểm định chất lượng ảnh 1TS Phạm Thị Ly
 
“Tuyên ngôn của 65 Hiệu trưởng ĐH châu Mỹ Latinh mới đây đã lên án các bảng xếp hạng là dẫn dắt những cách hiểu sai lạc về nhà trường và khuyến cáo Nhà nước không nên coi kết quả xếp hạng là cơ sở để phân bổ nguồn lực. Xếp hạng nên được coi là nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người học và là một nguồn tham khảo. Vì thế nó nên do các nhóm hay các tổ chức độc lập thực hiện”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ