Trong bối cảnh hiện nay, ông có thể cho biết một trường ĐH cần gì để phát triển bền vững?
Hiện nay, một trường ĐH muốn phát triển, ngoài việc nỗ lực vận động của chính nhà trường, thì chính sách, pháp luật về GD ĐH là vô cùng quan trọng. Chính sách, pháp luật về GD ĐH phải giải quyết được những nút thắt trong thực hiện đổi mới GD ĐH, thực hiện tốt tự chủ ĐH, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển GD ĐH.
Xét tới cùng, một trường ĐH phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Muốn vậy, chính sách phải thu hút được người giỏi là giảng viên và tạo điều kiện cho họ phát triển năng lực giảng dạy và nghiên cứu; phải huy động được các nguồn lực phát triển cơ sở vật chất nhà trường; phải đáp ứng tài chính đủ yêu cầu chi phí đào tạo thực tế...
Theo Bộ GD&ĐT, Luật GD ĐH mới sẽ tạo được môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, là khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo nền kinh tế tri thức cho đất nước… Ông đánh giá như thế nào về những chủ trương này?
Muốn phát triển kinh tế - xã hội cần nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng và có tính chất quyết định nhất. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận không tách rời nguồn nhân lực quốc gia, khi Việt Nam đang chuyển dần sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quốc gia và đặt trên vai các trường ĐH. Hiện nay, đánh giá một cách khách quan, chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế và yếu kém. Nguyên nhân chính là do thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao, cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí để đào tạo một SV còn hạn hẹp.
Song có một nguyên nhân rất quan trọng, để sau các nguyên nhân đó là khung pháp lý về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập. Vì thế, việc tạo môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hướng dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cần thiết.
Nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH sẽ bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua như sau: Nhóm chính sách 1: Tự chủ ĐH; Nhóm chính sách 2: Quản trị ĐH; Nhóm chính sách 3: Quản lý đào tạo; Nhóm chính sách 4: Quản lý Nhà nước về GD ĐH. Xin ông cho biết GD ĐH ở nước ta hiện nay cần có giải pháp gì để các chính sách này đi vào thực tiễn?
Luật GD ĐH đã thi hành trong 5 năm qua, bốn nhóm chính sách trên cũng đã bao trùm hầu hết các điều trong Luật GD ĐH hiện hành nhưng nó chưa đi vào thực tiễn.
Thứ nhất, muốn chính sách đi vào cuộc sống thì chúng ta phải đưa cuộc sống vào chính sách. Chúng ta phải đánh giá thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua, nhận diện nó vướng mắc từ thực tiễn để sửa đổi, bổ sung; đánh giá tác động của các nội dung sửa đổi, bổ sung với thực tiễn.
Thứ hai, chúng ta phải đổi mới trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị GD ĐH.
Thứ ba, chúng ta phải đổi mới và hội nhập quốc tế; cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm phát triển GD ĐH của các nước tiên tiến trên thế giới để phát triển GD ĐH Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
“Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH là gỡ bỏ các nút thắt phát triển ĐH, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ ĐH nhằm nâng cao chất lượng GD ĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển GD ĐH…”. PGS.TS Nguyễn Văn Đệ